Phương Tây tìm cách giải mã tín hiệu ngừng bắn của Nga ở Ukraine
(Dân trí) - Những tín hiệu ngừng bắn không rõ ràng của Nga khiến cả Ukraine lẫn các đồng minh phương Tây dao động, "cân não" hoạch định phương án ứng phó.
Một mặt, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ thái độ cứng rắn: "Nước Nga sẽ không từ bỏ những gì thuộc về mình. Nếu họ muốn thương lượng, hãy để họ thương lượng". Mặt khác, chủ nhân Điện Kremlin được cho là đã không dưới một lần gửi đi một thông điệp ngoại giao với tín hiệu sẵn sàng "bật đèn xanh" cho một cuộc đàm phán.
Truyền thông phương Tây dẫn lời một số quan chức quốc tế giấu tên, bao gồm cả những nhân vật thân cận với Điện Kremlin và đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết: "Ít nhất là từ tháng 9, ông Putin đã ra tín hiệu với các bên trung gian nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và đóng băng cuộc giao tranh".
Trước đó, theo giới chức Mỹ, ông Putin cũng từng có ý định thăm dò khả năng đàm phán ngừng bắn từ mùa thu năm 2022.
Tuy nhiên, tiền đề để hai bên cùng ngồi xuống và bàn tính đóng băng xung đột còn khá gian nan. "Ông Putin sẵn sàng dừng lại, nhưng ông ấy sẽ không lùi lại dù chỉ một mét", một cựu quan chức cấp cao của Nga truyền đi thông điệp từ Điện Kremlin. Về phía Ukraine, không có dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo Kiev sẵn sàng ký vào một thỏa thuận như vậy.
Nhiều chính trị gia của Mỹ cho rằng đây chỉ là nước cờ gây nhiễu quen thuộc của Điện Kremlin, và không hoàn toàn phản ánh thái độ sẵn sàng thỏa hiệp của ông Putin. Một số cựu quan chức Nga cũng cho rằng chiến lược của ông Putin hoàn toàn có thể thay đổi dựa theo những diễn biến thực tế trên chiến trường.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/12 tuyên bố ông không thấy thiện chí đàm phán từ phía Nga. Đồng thời, giới chức Kiev khẳng định toàn vẹn lãnh thổ và được bồi thường chiến tranh là những điều kiện cho công thức hòa bình của quốc gia này.
Bối cảnh của Ukraine và tính toán của Nga
Đại tướng Mark A. Milley, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, từng khuyến khích Ukraine ngồi vào bàn đàm phán vì ở thời điểm đó, Ukraine có trong tay một số lợi thế nhất định trên chiến trường.
Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ. Họ tin rằng còn quá sớm để đàm phán. Tổng thống Ukraine Zelensky muốn Ukraine chiến đấu cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ, khôi phục biên giới được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, khi xung đột Israel và Hamas ở Dải Gaza nổ ra ngày 7/10, tình hình đã thay đổi. Xung đột ở chảo lửa Trung Đông đã chuyển hướng phần nào sự tập trung của dư luận thế giới lẫn các quốc gia đồng minh phương Tây khỏi Ukraine.
"Sự chú ý của phương Tây đang chuyển hướng, ông Putin nắm bắt được vấn đề này", Balazs Orban, trợ lý của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cho biết vào tháng 10.
"Ông Putin nắm rõ từng chuyển động dù nhỏ nhất trên chiến trường", một quan chức giấu tên tiết lộ.
Sau cuộc họp riêng hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, Nga tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt mọi mục tiêu đề ra. Cũng theo ông Shoigu, Nga có lợi thế về xe tăng, máy bay chiến đấu cũng như kế hoạch tăng cường sản xuất quốc phòng, đồng thời có thể họ có thể huy động tới 25 triệu binh sĩ.
Một chuyên gia quốc tế từng tiếp xúc với những quan chức cấp cao của Nga nói rằng: "Ông Putin không muốn lực lượng Nga bị kéo căng thêm nữa".
Một số nhà phân tích khác cho rằng, Nga có lợi khi chiến sự kéo dài và chờ đợi sự trở lại Nhà Trắng tiềm năng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử năm 2024. Ông Trump là người muốn nhanh chóng chấm dứt chiến sự Ukraine, có thể thông qua việc Kiev chấp nhận những nhượng bộ nhất định trên bàn đàm phán với Moscow.
Một số ý kiến cho rằng Nga cũng có thể mong muốn tình thế ổn thỏa sớm hơn do sự bất ổn khó lường của cuộc xung đột. Đặc biệt là khi Nga không hoàn toàn kiểm soát 4 tỉnh đã tuyên bố sáp nhập từ Ukraine, cũng như phải đối phó với kế hoạch của Ukraine nhằm cắt đứt hành lang đất liền nối với bán đảo Crimea.
Vì vậy, có thể nói, thời điểm lý tưởng để tuyên bố chiến thắng của ông Putin là trước cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 năm sau. Việc đảm bảo thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa là một trong những bằng chứng cho thấy ông Putin cũng đặc biệt quan tâm đến sự ủng hộ của người dân trong nước.