1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Leo thang xung đột Armenia - Azerbaijan và những hệ lụy

Ít nhất 23 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương khi đụng độ nghiêm trọng nhất xảy ra giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016.

Leo thang xung đột Armenia - Azerbaijan và những hệ lụy - 1

Nagorno-Karabakh trở thành trung tâm của các căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia nhiều thập niên qua. (Đồ họa: BBC)

Đụng độ giữa hai bên một lần nữa làm dấy lên quan ngại về sự bất ổn tại khu vực Nam Kavkaz có vị trí an ninh chiến lược cũng như cuốn các quốc gia khu vực vào cuộc xung đột với những hệ lụy nghiêm trọng.

Đây là vụ đụng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh. Cả Armenia và chính quyền vùng Nagorno-Karabakh đã ban hành thiết quân luật và tổng động viên, trong khi phía Azerbaijan khẳng định chưa cần ban bố lệnh tổng động viên.

Armenia và Azerbaijan vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp vùng Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống, nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Đụng độ mới nhất làm gia tăng lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng khu vực,tác động không nhỏ đến những quốc gia có lợi ích chung.

Là một khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, Nam Kavkaz nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Á. Đây cũng là địa bàn nóng hoạt động của những nhóm ly khai, cực đoan hay tổ chức khủng bố, vốn là nguồn gốc gây bất ổn an ninh khu vực. Có nhiều lo ngại bất ổn tại Nagorno-Karabakh có thể tạo lỗ hổng an ninh để cho những nhóm cực đoan mở rộng địa bàn hoạt động và thực hiện các vụ tấn công. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm qua cũng cảnh báo những tác động của cuộc xung đột: “Bất ổn đang gây lo ngại cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Việc bùng nổ một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Nam Kavkaz có thể tạo ra những hậu quả không lường trước được. Nó có thể vượt ra khỏi biên giới khu vực và đe dọa an ninh và ổn định quốc tế”.

Ngoài yếu tố an ninh, khu vực Kavkaz từ lâu đã có vị trí quan trọng về năng lượng và địa chính trị. Đây là nơi có một hành lang đặt các đường ống vận chuyển dầu khí tới các thị trường trên thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng với Nga, Liên minh châu Âu cũng lo ngại xung đột tại Nagorno-Karabakh có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khối. Liên minh châu Âu hôm qua ra tuyên bố kêu gọi các bên ngừng ngay lập tức các hành động thù địch, giảm leo thang và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn.

Căng thẳng giữa hai quốc gia cũng có thể cuốn các cường quốc khác vào cuộc xung đột. Armenia và Azerbaijan đều là hai nước thành viên Liên Xô cũ, có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Đây cũng là thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực như Liên minh kinh tế Á-Âu.

Xung đột giữa hai bên sẽ đẩy Nga vào thế khó, ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác thương mại kinh tế. Bộ Ngoại giao Nga hôm qua ra tuyên bố kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu đàm phán. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có cuộc điện đàm với lãnh đạo Armenia, thảo luận về tình hình.

Một quốc gia khác cũng có thể bị tác động bởi cuộc xung đột này là Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược và tương trợ lẫn nhau. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ ủng hộ Azerbaijan. Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ đoàn kết hoàn toàn với Azerbaijan. Chúng tôi vẫn cam kết ủng hộ Azerbaijan bằng mọi biện pháp có thể. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sát cánh cùng người dân Azerbaijan trước bất cứ hành động xâm chiếm nào”.

Xung đột khu vực leo thang còn có thể khơi mào cho những bất ổn khác, châm ngòi cho những điểm nóng ly khai khác trong khu vực, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng. Hàng loạt quốc gia đã lên tiếng kêu gọi Armenia và Azerbaijan kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đặc biệt thúc đẩy các cơ chế đối thoại dưới sự bảo trợ của đồng chủ tịch Nhóm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE Minsk).

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh