1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàng chục binh sĩ nghi thiệt mạng trong xung đột Azerbaijan - Armenia

Thành Đạt

(Dân trí) - Lãnh đạo khu vực Nagorno-Karabakh cho biết hàng chục binh sĩ và dân thường đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Azerbaijan và Armenia - hai nước thuộc Liên Xô cũ.

Hàng chục binh sĩ nghi thiệt mạng trong xung đột Azerbaijan - Armenia
Hàng chục binh sĩ nghi thiệt mạng trong xung đột Azerbaijan - Armenia - 1

Armenia công bố video nói rằng xe tăng Azerbaijan bị phá hủy trong vụ đụng độ tại Nagorno-Karabakh ngày 27/9. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Armenia)

“Hàng chục binh sĩ đã thiệt mạng, hàng chục binh sĩ khác bị thương. Hàng chục dân thường bị thương và cũng có dân thường thiệt mạng”, Sputnik dẫn lời ông Arayik Harutyunyan, lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh, nói trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 27/9.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Armenia cáo buộc Azerbaijan tấn công bằng không quân và pháo binh nhằm vào các vị trí dân sự tại thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh vào sáng 27/9. Trong khi đó, Azerbaijan cáo buộc phía Armenia đã khai hỏa trước và Azerbaijan chỉ đáp trả một vụ nã pháo từ Armenia.

Nagorno-Karabakh là một khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận thuộc Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có đa số dân là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sát nhập vào Armenia. Khu vực được Armenia hậu thuẫn về quân sự và tài chính. Tranh chấp chủ quyền đối với Nagorno-Karabakh giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã kéo dài nhiều năm nhưng cho tới nay vẫn chưa có hồi kết và xung đột thường xuyên xảy ra tại khu vực này.   

Video Azerbaijan tấn công thiết bị quân sự của Armenia

Sau khi xung đột bùng phát, Armenia đã tuyên bố tình trạng thiết quân luật và tổng động viên toàn quốc thanh niên trên 18 tuổi. Trong khi đó, Azerbaijan tuyên bố đã giành quyền kiểm soát tới 7 ngôi làng tại vùng Nagorno-Karabakh, nhưng giới chức Nagorno-Karabakh đã bác bỏ điều này.

Armenia cho biết các lực lượng nước này đã bắn hạ 2 trực thăng, 3 máy bay do thám và phá hủy 3 xe tăng của Azerbaijan. Tuy nhiên, Azerbaijan đã bác bỏ tuyên bố trên của Bộ Quốc phòng Armenia. Azerbaijan đồng thời cáo buộc các lực lượng Armenia phát động các cuộc tấn công cố ý và có mục tiêu dọc tiền tuyến.

Sau vụ đụng độ ở Nagorno-Karabakh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia thông báo “số liệu ban đầu cho thấy 16 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương về phía Armenia”.

Armenia công bố video tấn công xe quân sự Azerbaijan

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia, lực lượng vũ trang Nagorno-Karabakh đã thu giữ một xe tăng BMP-3 và 10 xe bọc thép cùng khí tài quân sự của Azerbaijan trong cuộc đụng độ.

Thế giới thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao

Hàng chục binh sĩ nghi thiệt mạng trong xung đột Azerbaijan - Armenia - 2

Bản đồ khu vực Nagorno-Karabakh. Vùng này nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Azerbaijan và được quốc tế công nhận thuộc Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân là người gốc Amernia và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. (Ảnh: BBC)

Cuộc đụng độ hôm 27/9 đã làm gia tăng những lo ngại về sự mất ổn định tại khu vực phía Nam Kavkaz, một hành lang cho các tuyến đường ống vận chuyển dầu và khí đốt tới các thị trường thế giới.

Các nỗ lực ngoại giao đã gấp rút được triển khai nhằm ngăn chặn sự bùng phát mới một cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập niên, khi Nga - quốc gia làm trung gian hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan - kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay tức thì, trong khi Giáo hoàng Francis dẫn đầu các kêu gọi đàm phán.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 27/9 kêu gọi dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự tại vùng Nagorno-Karabakh. Ông Guterres “vô cùng quan ngại” về việc các bên nối lại các hành động xung đột vũ trang, lên án việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc vì đã xảy ra thương vong, bao gồm dân thường.

“Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên dừng ngay lập tức việc giao tranh, hạ nhiệt căng thẳng và quay trở lại các cuộc đàm phán. Tổng thư ký sẽ trao đổi với cả Tổng thống Azerbaijan và Thủ tướng Armenia”, thông báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết.

Thủ tướng Iran cho biết nước này sẵn sàng đóng vai trò như một bên hòa giải cho cuộc đối thoại giữa Azerbaijan và Armenia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đang xem xét vụ việc này.

“Chúng tôi đang xem xét rất chặt chẽ vụ việc này. Chúng tôi có nhiều mối quan hệ tốt đẹp ở khu vực đó, chúng tôi sẽ xem liệu có thể làm gì để ngăn chặn vụ việc”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 27/9.

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh