1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lá chắn Patriot có thể hóa giải chiến thuật mưa hỏa lực của Nga ở Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Patriot là một tổ hợp phòng không uy lực và Ukraine đã hối thúc Mỹ viện trợ từ nhiều tháng qua, nhưng chuyên gia cho rằng, tổ hợp này có thể gặp thách thức để đối phó với các UAV giá rẻ của Nga.

Lá chắn Patriot có thể hóa giải chiến thuật mưa hỏa lực của Nga ở Ukraine? - 1

Một tổ hợp phòng không Patriot khai hỏa (Ảnh minh họa: AP).

Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 13/12 cho hay, Mỹ đang hoàn tất kế hoạch chuyển các hệ thống phòng thủ Patriot cho Ukraine và có thể công bố ngay trong tuần này. Kế hoạch của Lầu Năm Góc vẫn cần sự phê chuẩn của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước khi trình Tổng thống Joe Biden ký duyệt.

Nếu Mỹ đồng ý chuyển Patriot cho Ukraine, đây sẽ là hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại nhất mà Washington cấp cho Kiev kể từ đầu chiến sự tới nay. Trong thời gian qua, Kiev đã liên tục đề nghị Mỹ viện trợ Patriot để đối phó với chiến thuật mưa hỏa lực của Nga khi Moscow phóng ồ ạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine như cơ sở năng lượng.

Theo Newsweek, nếu được thông qua, Patriot sẽ được chuyển nhanh chóng và phía Ukraine có thể sẽ bắt đầu được huấn luyện vận hành hệ thống này ở một căn cứ Mỹ tại Grafenwoehr, Đức.

Uy lực vượt trội

Được coi là một trong những vũ khí tầm xa uy lực hàng đầu để chống lại các tên lửa hành trình và đạn đạo, Patriot sẽ có thể bắn rơi các tên lửa và máy bay của Nga ở xa các mục tiêu Moscow dự tính tập kích bên trong Ukraine.

Patriot là một hệ thống đánh chặn phòng thủ tên lửa di động, đặt trên mặt đất. Nó có thể phát hiện, theo dõi và phá hủy máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật hoặc tầm ngắn.

Các hệ thống này đã được thử nghiệm chiến đấu ở Trung Đông trước đó và đã có hiệu suất đánh chặn khá hiệu quả khi bắn rơi 100 tên lửa đạn đạo chiến thuật trong các hoạt động tác chiến.

Hệ thống Patriot bao gồm một bộ radar, trạm điều khiển, bệ phóng cũng như tên lửa phóng Patriot. Radar có thể phát hiện và theo dõi hơn 100 mục tiêu và có tầm hoạt động hơn 100km.

Bệ phóng tên lửa có thể hoạt động tách biệt khỏi radar và trạm điều khiển và bắn tên lửa trong vòng chưa đầy 9 giây. Sau khi tên lửa được phóng, hệ thống sẽ truyền dữ liệu trở lại trạm radar, giúp dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu.

Cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh Philip Ingram cho biết hệ thống tên lửa Patriot sẽ giúp Ukraine gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ, và có thể "tác động tới tâm lý chiến đấu của Nga".

Ông nói với Newsweek: "Nga biết hệ thống này có khả năng như thế nào và sẽ khiến các phi công của Lực lượng Không quân Nga lo lắng hơn mặc dù nó khó có thể được triển khai ở bất kỳ đâu gần các khu vực chiến sự. Nó gần như chắc chắn sẽ được triển khai để bảo vệ các thành phố lớn như Kiev, Lviv và cơ sở hạ tầng năng lượng tại những khu vực đó".

"Ukraine đã đạt được những thành công nhất định trong việc đánh chặn tên lửa và UAV tự sát của Nga. Hệ thống phòng không nhiều lớp của họ có khả năng nhưng có thể được tăng cường hơn nữa. Các khẩu đội Patriot sẽ làm được điều đó ở một số khu vực quan trọng", ông nhận định.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Nga đã giành được ưu thế trên không ở Ukraine với dàn tiêm kích uy lực Su-30, Su-35, MiG-31. Các máy bay này thường bay cao và xa, phóng tên lửa tầm xa vào để tập kích mục tiêu của Ukraine.

Nếu Patriot gia nhập kho khí tài Ukraine, Nga có thể sẽ buộc phải thay đổi chiến thuật, bằng cách hạ độ cao của các tiêm kích xuống để tránh bị Patriot dò ra. Tuy nhiên, điều này sẽ đẩy máy bay Nga rơi vào rủi ro khác, khi nó có thể bay vào tầm ngắm của các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) của đối thủ.

Theo Tom Karako, một học giả cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), Patriot sẽ khiến các phi công Nga phải "suy nghĩ kỹ" trước khi tấn công Ukraine.

Những thách thức

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ

Dù Patriot được xem là lá chắn rất uy lực, Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling cho biết quá trình đào tạo cần thiết để vận hành và bảo trì tổ hợp này có thể mất thời gian dài. Điều đó có nghĩa là Ukraine có thể sẽ cần vài tháng để có thể triển khai Patriot chiến đấu nếu Mỹ thông qua việc chuyển lá chắn.

Yếu tố này có thể sẽ khiến Ukraine bỏ lỡ thời điểm cần thiết trong bối cảnh Nga được dự đoán sẽ tăng cường tần suất của chiến thuật mưa hỏa lực nhằm đối phó với phía Kiev trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo Forbes, dù Patriot là mối đe dọa với máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và đạn đạo của đối thủ, nó dường như hoạt động không quá hiệu quả với các UAV cỡ nhỏ.

Năm 2017, nhóm phiến quân Houthi đã dùng các UAV tự sát cỡ nhỏ Qasef tập kích 2 nhà máy của tập đoàn dầu khí Ả rập Xê út Aramco. Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ả rập Xê út dường như đang triển khai hàng chục hệ thống Patriot trong quân đội nước này vào thời điểm đó. Tuy nhiên, các lá chắn này đều không ngăn được hàng chục UAV và tên lửa dẫn đường tấn công vào Aramco, nguồn tin nói.

Theo giới quan sát, các hệ thống Patriot có lẽ không thể chặn được các vụ không kích hàng loạt dùng số lượng lớn các vũ khí. Điều này có nghĩa rằng, một vụ tấn công theo kiểu "bầy đàn" và ồ ạt có thể sẽ làm khó Patriot.

Mặt khác, mỗi quả tên lửa phòng không Patriot có giá 1 triệu USD. Nếu triển khai số lượng lớn tên lửa này để đánh chặn các UAV giá rẻ từ 20.000-50.000 USD của Nga, đây sẽ là phương án tác chiến lãng phí và thiếu tính kinh tế.

Theo Newsweek, Forbes, Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine