1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ký ức kinh hoàng của “nô lệ” trong đường dây buôn người vào Anh

(Dân trí) - Người duy nhất sống sót trong thảm kịch khiến 23 người nhập cư thiệt mạng tại Anh năm 2004 đã kể lại những ký ức kinh hoàng về cuộc sống của “nô lệ thời hiện đại” trong đường dây buôn người khét tiếng.

Ký ức kinh hoàng của “nô lệ” trong đường dây buôn người vào Anh - 1

Căn phòng chật hẹp là nơi ở của những “nô lệ” làm công việc cào sò tại Anh. (Ảnh: The Sun)

The Sun đưa tin, khi Li Hua đưa 14.000 bảng Anh (gần 18.000 USD) cho “Đầu Rắn”, một băng nhóm buôn người Trung Quốc khét tiếng, người đàn ông này được hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Anh chỉ sau một tuần.

Rốt cuộc, Li phải trải qua một hành trình đầy khó khăn và gian khổ kéo dài tới hai năm, từ châu Á sang châu Âu. Trong suốt chặng đường đó, Li phải lao động như một nô lệ để kiếm tiền trang trải cho chuyến đi của mình.

“Đó là hành trình hai năm đầy gian khổ trên đường và chúng tôi đã chuyển qua hàng trăm địa điểm mà tôi không hề biết gì về những nơi đó. Chúng tôi không được phép hỏi bất kỳ câu hỏi nào”, Li nói với báo The Sun (Anh).

Khi đặt chân tới Anh vào năm 2004, Li được đưa đến một chỗ ở bẩn thỉu, nằm ngủ ngay trên sàn bê tông cùng 25 người đàn ông khác. Hàng ngày, họ phải làm công việc cào sò tại vùng Lancashire.

Chỉ một tuần sau khi Li bắt đầu công việc, thảm họa đã xảy ra với nhóm người cào sò tại vịnh Morecambe khi họ bị mắc kẹt lúc thủy triều dâng. Li đã phải vật lộn để giành giật sự sống, trong khi 23 người khác bị chết đuối.

Thảm kịch này có nhiều nét tương đồng với vụ 39 người thiệt mạng trong thùng đông lạnh ở Essex, Anh tuần trước.

Tương tự Li Hua, các nạn nhân đều nằm trong đường dây buôn người của băng đảng “Đầu Rắn”. Băng đảng này đã lên kế hoạch cho các phi vụ đưa người từ châu Á sang châu Âu với chi phí lên tới 33.000 bảng Anh (42.400 USD) cho một lần trót lọt.

Giấc mơ đổi đời

Li sinh ra và lớn lên tại một tỉnh nghèo ở phía nam Trung Quốc. Vào thời điểm tới Anh, Li mới 26 tuổi. Tương tự nhiều người di cư Trung Quốc khác, Li ra đi và để lại khoản nợ lớn cho gia đình.

“Khi còn ở trong làng, tôi làm nghề bán rau. Nhưng nghề đó cũng chỉ đủ ăn. Tôi muốn chu cấp thêm cho gia đình mình”, Li nói.

Do vậy, khi được giới thiệu cơ hội tới Anh, Li ngay lập tức đồng ý. Mẹ Li đã phải trả 14.000 bảng Anh (gần 18.000 USD) và cầm cố cả căn nhà để trả tiền cho nhóm buôn người giúp đưa con trai bà sang châu Âu.

“Tôi đã phải trả rất nhiều tiền và được hứa hẹn có thể nhận được công việc tốt hơn (tại Anh). Họ cũng hứa cho tôi sống ở một nơi thoải mái”, Li nói.

Câu chuyện của Li là chuyện phổ biến ở tỉnh Phúc Kiến, nơi các gia đình sẵn sàng bỏ toàn bộ tiền tiết kiệm để đưa những thanh niên trẻ sang châu Âu. Họ hy vọng sẽ thu được khoản tiền xứng đáng cho sự “đầu tư” của họ chỉ sau 3-4 năm.

Cuộc sống tại Anh

Ký ức kinh hoàng của “nô lệ” trong đường dây buôn người vào Anh - 2

Hai cảnh sát bước qua những bao sò được các nạn nhân thu hoạch trước khi chết. (Ảnh: The Sun)

Khi tới Anh bằng cách ngồi sau một xe tải, Li được đưa đến thủ đô London. Anh không có một đồng xu dính túi và cũng không thể nói tiếng Anh.

“Tôi được thả xuống khu China Town ở London và không được phép hỏi bất kỳ điều gì. Một người đàn ông đã đến và nói với tôi rằng có một công việc ở Liverpool. Tôi đồng ý ngay. Nhưng chỉ khi chúng tôi đến đó, họ mới nói công việc đó là cào sò. Chưa có ai trong số chúng tôi từng làm công việc đó trước đây. Nhưng tất cả chúng tôi vẫn cần công việc để sống”, Li nhớ lại.

Thay vì được tận hưởng một cuộc sống dễ dàng như những lời hứa hẹn trước đây, Li bị ép phải làm việc 7 ngày một tuần trong điều kiện thời tiết lạnh giá. Mức thù lao anh nhận được là 10 bảng Anh (12,8 USD) một ngày.

“Công việc rất cực khổ, 7 ngày một tuần. Bạn chỉ có một dụng cụ để đào sò, nhặt sò bằng tay và cho vào túi. Một người có thể nhặt được 2-3 túi sò mỗi ngày”, Li cho biết.

Điều kiện sống khó khăn

Nhóm của Li chỉ được ăn bánh mì, uống nước qua ngày và phải ngủ trên sàn bê tông.

“Chỗ ở bốc mùi và lạnh lẽo, không có lò sưởi. Chúng tôi chỉ được ăn bánh mì, trà hoặc nước cho bữa sáng. 25 người ngủ trong một phòng, mỗi người một chăn nằm sát cạnh nhau trên sàn bê tông. Không có gì sạch sẽ cả nhưng chúng tôi chỉ cần nơi để ngủ và nghỉ ngơi. Mỗi ngày chúng tôi đều cảm thấy kiệt sức, chúng tôi không còn sức để nấu nướng, ăn uống hay tắm, chúng tôi chỉ muốn ngủ”, Li kể lại.

Những lao động nhập cư như Li không được cấp các dụng cụ an toàn như áo phao. Họ cũng không được cảnh báo về những mối nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào như thủy triều hay sụt lún cát.

“Chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh. Chúng tôi bất chấp nguy hiểm, vì chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng vào ông chủ”, Li cho biết.

Thảm kịch bất ngờ

Ký ức kinh hoàng của “nô lệ” trong đường dây buôn người vào Anh - 3

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể các nạn nhân lên xe cứu thương tại vịnh Morecambe (Ảnh: The Sun)

Vào một đêm mùa đông tháng 2/2004, Li cùng 23 người cào sò khác bị nhấn chìm bởi đợt thủy triều lạnh giá ở vịnh Morecambe. Li bị những con sóng dữ vùi dập khi anh tìm cách bơi ngược dòng thủy triều.

“Tất cả mọi người kêu gào, hoảng loạn và khóc. Tôi chứng kiến cảnh mọi người chết đuối, chìm xuống làn nước sâu và không bao giờ thấy xuất hiện trở lại. Tôi sợ hãi, kinh hoàng và cảm thấy bất lực. Tôi tưởng rằng mình sẽ chết”, Li nói.

“Đột nhiên mọi thứ xung quanh tôi trở nên im lặng. Tôi không còn nghe thấy tiếng gì nữa và cũng không cảm nhận thấy bất kỳ thứ gì đang dịch chuyển xung quanh. Đó là sự im lặng chết người ngoài âm thanh của tiếng sóng. Tôi cảm thấy tê dại. Tôi thậm chí không còn cảm thấy lạnh nữa khi tôi nhận ra rằng tất cả mọi người cùng làm việc với tôi hôm đó đều đã chết”, Li nhớ lại thời khắc kinh hoàng.

Lực lượng cảnh sát biển sau đó phát hiện ra Li và giải cứu anh. Khi được đưa trở lại bờ, Li nhìn thấy thi thể trần truồng của 23 người, quần áo của họ bị nước biển xé toạc.

Thảm kịch tại vịnh Morecambe đã gây chấn động nước Anh, đồng thời hé lộ góc khuất của nô lệ thời hiện đại tại Anh. Sau đó người ta phát hiện ra rằng, những kẻ buôn người đã kiếm được 1 triệu bảng Anh mỗi ngày từ mạng lưới nô lệ của họ, trong khi các nạn nhân chỉ được trả 10 bảng Anh cho một ngày lao động cật lực.

Ký ức kinh hoàng của “nô lệ” trong đường dây buôn người vào Anh - 4

Ông trùm Lin Liang Ren bị kết án 14 năm tù (Ảnh: The Sun)

Thậm chí sau thảm họa, Li vẫn bị băng nhóm buôn người đe dọa tới mức anh phải nói dối cảnh sát rằng, anh đang đi dã ngoại cùng các bạn thì họ bị chết đuối.

Cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra Li không nói sự thật vì sợ hãi. Họ đã đưa anh vào chương trình bảo vệ nhân chứng.

Bằng chứng từ Li đã giúp tòa tìm ra thủ phạm. Lin Liang Ren, ông trùm của đường dây buôn người, đã bị kết tội ngộ sát, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp, cản trở công lý và bị tuyên phạt 14 năm tù.

Thành Đạt

Tổng hợp