(Dân trí) - Trong cuộc chạy đua trong không gian chưa bao giờ gay cấn và quyết liệt như bây giờ, vị thế dẫn đầu của Mỹ và Nga đang bị đe dọa bởi tham vọng cường quốc vũ trụ của Trung Quốc.
KHÔNG GIAN - "CHIẾN TRƯỜNG" MỚI GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC
Trong cuộc chạy đua trong không gian chưa bao giờ gay cấn và quyết liệt như bây giờ, vị thế dẫn đầu của Mỹ và Nga đang bị đe dọa bởi tham vọng cường quốc vũ trụ của Trung Quốc.
Trong thế kỷ XX và nhất là suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và đối thủ Liên Xô đều xem cuộc chinh phục không gian là nơi để khẳng định vị thế và nâng tầm ảnh hưởng. Và khi đó Trung Quốc vẫn chưa gia nhập "câu lạc bộ những cường vũ trụ" này.
Tuy nhiên, theo thời gian, câu lạc bộ này từng bước mở rộng ra nhiều thành viên mới và đặc biệt là công nghệ không gian không còn là độc quyền của nhà nước. Tại Mỹ và châu Âu, ngày càng có nhiều công ty tư nhân nhập cuộc như SpaceX của nhà tỷ phú Elon Musk, hay Blue Origin tỷ phú Jeff Bezos… Và Trung Quốc cũng khiến Mỹ đau đầu tìm cách đối phó khi có những bước phát triển nhảy vọt trong cuộc đua này.
Những thay đổi đó cho thấy cuộc đua vũ trụ đang ngày càng chứng kiến chặng đua quyết liệt hơn bao giờ hết, nhất là "cuộc đối đầu" Mỹ - Trung, trong bối cảnh quỹ đạo Trái đất đang trở nên ngày càng chật chội.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại cuộc đua khám phá không gian đang phát triển quá mức. Việc các nước đều tăng ngân sách cho nghiên cứu vũ trụ, đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí không gian rất có thể dẫn đến cuộc chạy đua nguy hiểm trong vũ trụ và khiến khu vực ngoài Trái đất này nguy cơ trở thành môi trường tác chiến tiếp theo khi xảy ra chiến tranh.
VÌ SAO CÁC NƯỚC CHẠY ĐUA QUYẾT LIỆT?
Có vẻ như nhiều người vẫn cho rằng, trong bối cảnh còn hàng trăm triệu người trên thế giới chết đói, việc chi những số tiền khổng lồ cho các tổ chức nghiên cứu vũ trụ như Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) là sai lầm. Vì sao các nước lại đổ tiền cho lĩnh vực này? Câu trả lời đơn giản là vì chiến lược khám phá không gian không chỉ nhằm phục vụ các mục đích dân sự mà còn vì quân sự.
Về mặt dân sự, sự phát triển của công nghệ tiếp tục giúp thế giới nhìn sâu hơn vào vũ trụ, tìm hiểu về không gian, thời gian cũng như giải mã nhiều hiện tượng chưa có được lời giải và kết nối trực tiếp tới sự đi lên của nhân loại. Ông Robert M. Lightfoot Jr, cựu Giám đốc NASA, từng khẳng định, NASA là nguồn thông tin chính của thế giới về cách mà Trái đất của chúng ta hoạt động. Theo ông Lightfoot, sự ra đời của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chỉ là một trong những ví dụ điển hình để nhấn mạnh mối quan hệ giữa nghiên cứu vũ trụ và tương lai của nhân loại.
Tiến sĩ Michelle Thaller, từng là trợ lý Giám đốc tại Trung tâm Không gian Goddard của NASA, cũng đưa ra một ví dụ nữa về chiến lược không gian quan trọng. Ví dụ, vào những năm 1980, chính một vệ tinh của NASA đã phát hiện ra sự khởi đầu của lỗ thủng tầng ozone. "Nếu như NASA không phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone, Trái đất sẽ gặp nguy vào năm 2060. Đó sẽ là ngày tận thế của thế giới ngày nay. Chúng ta sẽ không có nền nông nghiệp. Chúng ta sẽ không thể ra khỏi Trái đất". Và nếu không tiếp tục nghiên cứu, nguy cơ Trái đất đối mặt với thời kỳ loài khủng long bị tuyệt chủng khi bị một tiểu hành tinh đâm vào là ngay trước mắt. Theo NASA, thường khoảng 10.000 năm một lần, một tiểu hành tinh bằng đá hoặc sắt có kích thước bằng một sân bóng đá có thể đâm vào bề mặt Trái đất và gây hậu quả kinh hoàng.
Lợi ích kinh tế ngoài vũ trụ cũng là mục tiêu mà các nước vươn tới vũ trụ bởi các nước cần nguyên liệu thô từ không gian khi nguồn khai thác ở Trái đất đang dần cạn kiệt. Trong báo cáo "The New Next Trillion Dollar Industry By 2040" (Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD mới tiếp theo vào năm 2040), ngân hàng Mỹ Morgan Stanley ước tính lợi ích kinh tế ngoài vũ trụ trị giá hàng ngàn tỷ USD. Chẳng hạn như Mặt trăng là một nguồn cung cấp helium-3 (được sử dụng cho một số máy MRI nhất định và có thể là nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân) rất dồi dào. Mặt trăng có những nguyên tố đất hiếm như europi và tantalium, được sử dụng trong thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời và đồ dùng cao cấp khác.
Trong "thế giới phẳng" ngày này, không gian giờ đây đã trở thành một công cụ, một dạng cơ sở hạ tầng không thể thiếu, như là hệ thống định vị GPS hoàn toàn lệ thuộc vào vệ tinh… Chúng ta sử dụng được internet là nhờ kết nối hàng ngàn vệ tinh. Vì lợi ích to lớn, đến hiện tại đã có thêm những công ty tư nhân mới như Space X của nhà tỷ phú Elon Musk, hay Blue Origin của Jeff Bezos tham gia vào cuộc đua vệ tinh này.
"VŨ KHÍ" AN NINH QUỐC GIA QUAN TRỌNG
Về mặt quân sự, chiến lược vũ trụ là "vũ khí" tối quan trọng đối với an ninh quốc gia các nước.
Chiến lược hoạt động quân sự của Mỹ gần đây là bằng chứng cho thấy, các chiến dịch quân sự trên bộ, trên không và trên biển có thể được hỗ trợ bởi việc sử dụng hiệu quả các thiết bị vũ trụ. Do đó, các nước lớn đang tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình phát triển vũ khí tham vọng để chiếm lĩnh lợi thế trong cuộc đua này.
Thông thường vũ khí không gian sẽ gồm các loại: tấn công động năng, tấn công phi động năng, tấn công điện tử và tấn công mạng. Trong đó, vũ khí động năng sẽ tấn công trực tiếp mục tiêu trong không gian bằng các tên lửa phóng từ mặt đất hoặc bằng chính các vệ tinh có sẵn trong không gian hay có thể bắn phá các mục tiêu trên trái đất từ vũ trụ.
Vũ khí tấn công phi động năng gồm: lade, viba công suất cao và sóng xung kích điện từ. Vũ khí tấn công mạng là sẽ tấn công vào cơ sở dữ liệu và hệ thống vận hành dữ liệu của các vệ tinh, khiến các nước hầu như rơi vào tình trạng "bị mù". Đây là phương thức tấn công mới được phát triển, yêu cầu tác chiến rất cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng về công nghệ thông tin…
"Trong thời đại chiến tranh hiện đại ngày này, không một cường quốc quân sự nào sẽ chấp nhận đối mặt với các mối đe dọa rằng, hệ thống dẫn đường của họ có thể thất bại, thông tin liên lạc có thể bị kẹt, hoặc hệ thống chỉ huy bị "mù", "điếc" và răn đe hạt nhân có thể làm điên đảo", Reuters dẫn lời một chuyên gia nhận định.
Nhưng thực tế này khiến cộng đồng thế giới đặc biệt quan ngại về việc quân sự hóa vũ trụ, đe dọa sự ổn định chiến lược, thậm chí có thể dẫn tới bùng nổ "chiến tranh không gian".
CUỘC ĐUA TAM MÃ "ĐỐT NÓNG" KHÔNG GIAN
Hiện nay, trên ván cờ này, Mỹ vẫn giữ vị trí áp đảo tuyệt đối cả về mặt kỹ thuật lẫn tài chính, với việc sở hữu 803 vệ tinh các loại, trong đó có 200 vệ tinh quân sự và 31 vệ tinh định vị toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều loại vũ khí của Nga và Trung Quốc, gồm các hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng, tên lửa chống vệ tinh động học có thể phá hủy, có thể làm suy yếu hoặc gây sát thương các vệ tinh không gian của Mỹ. Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đánh dấu những bước ngoặt trong cuộc đua vũ trụ. Tháng 8/2019, Mỹ chính thức thành lập Bộ Tư lệnh Không gian, gồm 87 đơn vị được bố trí theo các vị trí trên Trái đất có yếu tố địa chính trị. Để theo đuổi mục tiêu quân sự hóa vũ trụ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden mới đây duyệt đạo luật quốc phòng 770 tỷ USD, trong bối cảnh Washington hy vọng sẽ đưa một nhà máy điện hạt nhân chính xác là một lò phản ứng 10 kilowatt tích hợp với tàu đổ bộ lên Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2027.
Ngoài Mỹ, Nga cũng thể hiện là một trong các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ trong những năm qua. Hiện Nga đang đặt ra mục tiêu táo bạo là đưa một tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân lên Mặt trăng, sau đó tiếp tục phóng tới sao Kim và sao Mộc.
Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmo thông báo "tàu kéo không gian" (thuật ngữ chỉ tàu vũ trụ vận chuyển phi hành gia hoặc thiết bị từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác), dự kiến sẽ thực hiện một sứ mệnh liên hành tinh vào năm 2030. Xa hơn nữa, sứ mệnh này có thể là tiền đề cho một biên giới mới của vũ trụ Nga. Theo Sputnik, Nga cũng đang thiết kế một trạm vũ trụ sử dụng công nghệ chạy bằng năng lượng hạt nhân tương tự.
Đáng chú ý là trong các quốc gia mới nổi về phát triển vũ trụ, Trung Quốc đã đạt được thành tựu bất ngờ, nhất là trong những năm gần đây. Các công nghệ liên quan của Trung Quốc đang nhìn thấy sự tiến bộ tiếp tục. Và Mỹ bắt đầu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và nỗ lực kiềm chế đối thủ đáng gờm này trên tất cả các lĩnh vực.
Trong cuộc đua chinh phục Mặt trăng, Trung Quốc hôm 27/12/2021 tuyên bố sẽ thiết lập trạm nghiên cứu trên Mặt trăng vào khoảng năm 2027, sớm hơn 8 năm so với dự kiến trước đó. Theo SCMP, Sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng Thường Nga 8 của Trung Quốc có mục tiêu ban đầu là thực hiện các thí nghiệm khoa học như in 3D bụi Mặt trăng, có thể diễn ra trong vài năm tới sau 2 vụ phóng khác.
Phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) Wu Yanhua cho hay, công việc mới của Thường Nga 8 là đặt trạm nghiên cứu không người lái trên bề mặt Mặt trăng. Trước đó, trạm nghiên cứu này được lên kế hoạch cho năm 2035. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về lý do thay đổi kế hoạch nhưng nhấn mạnh mục đích của sứ mệnh là "xây dựng một nền tảng vững chắc cho sử dụng hòa bình các nguồn lực Mặt trăng". Trong một nỗ lực nữa nhằm vượt Mỹ trở thành cường quốc vũ trụ, Trung Quốc cũng dự kiến sẽ phóng trạm vũ trụ của riêng mình vào quỹ đạo trái đất tầm thấp trước 2024.
Ngoài Nga, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, nay đã có thêm Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Phi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)…cũng muốn làm chủ không gian. Ngoài ra, cũng phải kể đến nhóm bao gồm Iran, Hàn Quốc, Triều Tiên mà giới trong ngành gọi là những quốc gia đang "trỗi dậy" để chinh phục không gian.
MỐI LO BÙNG NỔ CHIẾN TRANH VŨ TRỤ
Theo Reuters, trong bối cảnh một số quốc gia tăng cường đầu tư cho lĩnh vực vũ trụ, các chuyên gia phân tích lo ngại, những động thái này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt trên không gian và bùng nổ kiểu "chiến tranh giữa các vì sao". Bởi theo các chuyên gia quân sự, khi một vệ tinh phát nổ sẽ tạo ra một loạt mảnh vỡ có thể hủy hoại các vệ tinh khác theo hiệu ứng dây chuyền, đồng thời khiến mảnh vỡ va đập mạnh với Trái đất, không loại trừ những khu vực dân cư đông đúc.
Nguy cơ nữa, theo các chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp là "ô nhiễm không gian", do ngày càng có nhiều "rác thải" và những mảnh vỡ vệ tinh. Mới đây, Mỹ phản ứng tức giận khi Nga đã bắn trúng và phá hủy thành công một vệ tinh đã ở trên quỹ đạo từ năm 1982 làm bùng lên lo ngại sẽ tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ đe dọa Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, Nga khẳng định các mảnh vỡ hình thành không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với hoạt động không gian. Trên thực tế, không chỉ Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng đã từng bắn phá hủy vệ tinh tương tự.
Yếu tố nữa mà chuyên gia nghiên cứu vũ trụ Paul Wohrer đề cập đến là thách thức về an ninh. Ông đặt ra những câu hỏi như liệu điều gì xảy ra khi vệ tinh của Mỹ và Trung Quốc hay của Nga, của châu Âu do thám lẫn nhau, khi những thông tin tuyệt mật lọt vào tay các đối thủ chiến lược hay kinh tế?
Trong trường hợp xấu nhất, một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian có thể dẫn đến việc quân sự hóa không gian, chiến tranh vũ trụ khiến các mảnh vỡ không gian hoặc rơi xuống Trái đất, giết chết những người vô tội.
Trước viễn cảnh đáng lo ngại này, nhiều nước đã có cái nhìn khác hơn về an ninh không gian. Trong nhiều năm, Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác cùng nỗ lực để có được một công cụ pháp lý quốc tế để ngăn chặn việc vũ khí hóa ngoài vũ trụ hoặc một cuộc chạy đua vũ trang ở đó. Mỹ thể hiện cam kết của mình đối với an ninh vũ trụ thông qua sự hồi sinh của Bộ Chỉ huy không gian và thành lập Lực lượng vũ trụ Mỹ. Các nước khác cũng vậy. Pháp và Nhật Bản chẳng hạn, đã tuyên bố thiết lập các đội vũ trụ quốc gia.
Tất nhiên, giới khoa học và các nhà chiến lược đã tính tới tất cả các yếu tố kể trên đối với Trái đất nhằm ngăn chặn rủi ro, nhưng thực tế là nguy cơ là luôn tiềm ẩn.
Thanh Thành
Theo Reuters, SCMP, AP