1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo Nga - Trung, Mỹ diễn tập sẵn sàng cho chiến tranh ngoài vũ trụ

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Mỹ cùng với lực lượng Anh, Canada và Australia tham gia các cuộc tập trận mô phỏng tấn công vào hệ thống vệ tinh đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ.

Lo Nga - Trung, Mỹ diễn tập sẵn sàng cho chiến tranh ngoài vũ trụ - 1

(Ảnh minh họa: Defenseone).

SCMP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo Anh, Canada và Australia tham gia tập trận trên máy tính mô phỏng chống lại các mối đe dọa giả định từ Trung Quốc và Nga có thể leo thang thành cuộc chạy đua vũ trang kiểu "Chiến tranh giữa các vì sao", cũng như gia tăng bất ổn trong khu vực.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi các nước này bắt đầu cuộc tập trận mô phỏng được sự hỗ trợ của máy tính tại Căn cứ Lực lượng Không gian Schriever ở bang Colorado, Mỹ.

Đây là cuộc tập trận thứ 13 như vậy của Mỹ và lần thứ ba có sự tham gia của các đối tác như Anh, Canada và Australia. Theo Reuters, Nga và Trung Quốc được xem là những quốc gia gây hấn chính trong cuộc tập trận mô phỏng này.

Nội dung cuộc tập trận là nhằm đánh giá hệ thống vệ tinh của Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu bị tấn công như việc các vệ tinh theo dõi tên lửa bị bắn hạ, gây nhiễu và các hành động chiến tranh điện tử khác.

"Chiến tranh giữa các vì sao", hay còn gọi là Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, được công bố vào năm 1983 như một kế hoạch thiết lập các mạng lưới phòng thủ tên lửa trên mặt đất và vũ trụ nhằm bảo vệ Mỹ khỏi cuộc tấn công vũ khí hạt nhân chiến lược của Liên Xô cũ. Hệ thống này chưa bao giờ được phát triển, nhưng được cho là ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và kinh tế ở Moscow.

Cuộc tập trận cũng diễn ra giữa lúc Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm, theo đó chi 7,1 tỷ USD cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm tới để đối phó một Trung Quốc đang trỗi dậy, tăng 2,1 tỷ USD so với đề xuất ban đầu của Lầu Năm Góc.

Vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong thông tin liên lạc quân sự, điều hướng định vị toàn cầu và các hệ thống sử dụng trong mạng lưới phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, Sputnik hôm 13/12 dẫn lời chuyên gia Nikolai Sokov tại Trung tâm Giải trừ vũ khí và Không phổ biến vũ khí ở Vienna cho rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất của Mỹ không đủ khả năng ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Ông Sokov cho biết Mỹ có thể sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa lên vũ trụ, nhưng sẽ rất tốn kém vì cần khoảng 1.000 vệ tinh đánh chặn trên quỹ đạo địa tĩnh.

Nga hôm 15/11 đã thử thành công tên lửa diệt vệ tinh sau khi bắn hạ một vệ tinh liên lạc già cỗi trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Sau vụ thử của Nga, giới chức Mỹ cho rằng cần phải tăng khả năng chống chịu cho hệ thống vệ tinh trước các cuộc tấn công. Trung Quốc và Ấn Độ cũng từng thử tên lửa diệt vệ tinh tương tự.

Nhà nghiên cứu Zhou Chenming thuộc Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh nhận định, Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có một số lợi thế về công nghệ vũ trụ, nhưng không quốc gia nào sẵn sàng đưa ra các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế về ứng xử trên đấu trường này.

"Không giống như hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân trên Trái đất, vẫn còn khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực vũ trụ không gian, điều này rất nguy hiểm với nhân loại", ông Zhou nói.