Mỹ tìm cách tiếp cận "kho báu" 10.000 triệu tỷ USD ngoài vũ trụ
(Dân trí) - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã khởi động kế hoạch tiếp cận một tiểu hành tinh được cho chứa hàng loạt kim loại quý hiếm có trị giá 10.000 triệu tỷ USD.
IB Times đưa tin, NASA hiện đang mở một cuộc nghiên cứu về hành tinh mang tên "Psyche 16". Tiểu hành tinh này được mệnh danh là "kho báu" vì nó được cho chứa trữ lượng lớn kim loại quý hiếm, với tổng trị giá vào khoảng 10.000 triệu tỷ USD. NASA đặt ra mục tiêu có thể sẽ phóng tàu vũ trụ nghiên cứu hành tinh trên từ tháng 8/2022 và nó dự kiến tiếp cận hành tinh trên vào năm 2026.
Sự khác biệt giữa Psyche 16 và các tiểu hành tinh toàn đá hoặc băng giá khác là nó có chứa sắt và niken giống như phần lõi trái đất. Psyche 16 có đường kính trung bình vào khoảng 200 km, bằng 1/16 đường kính trung bình của Mặt trăng, theo NASA. Nó nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc và quay quanh mặt trời trong vành đai tiểu hành tinh. Ước tính nó nằm cách Trái đất khoảng 321 triệu km.
NASA dự kiến phóng một tàu vũ trụ lên tiểu hành tinh trên và dành 21 tháng trong quỹ đạo để nghiên cứu và sử dụng các công nghệ như máy ảnh đa phổ, quang phổ kế tia gamma và neutron, từ kế và một thiết bị vô tuyến (để đo trọng lực) khi ở trên tiểu hành tinh.
Một số nhà khoa học suy đoán rằng Psyche 16 có thể từng là lõi của một hành tinh sơ khai và đang tiến hành nghiên cứu theo hướng đó. Một số khác suy đoán rằng tiểu hành tinh có thể là kết quả của các vụ va chạm xảy ra khi hệ mặt trời hình thành.