1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khi "nhà giàu cũng khóc" trong đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hệ thống y tế quá tải ở Ấn Độ khi làn sóng Covid-19 thứ 2 ập tới đã đẩy nhiều người vào cảnh bất lực chứng kiến người thân qua đời.

Khi nhà giàu cũng khóc trong đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ - 1

Hệ thống y tế Ấn Độ quá tải trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 (Ảnh New York Times).

Khi số ca bệnh Covid-19 ở Ấn Độ tăng phi mã từ đầu tháng 4, hàng nghìn gia đình ở quốc gia tỷ dân phải nếm trải những tấn bi kịch trong nỗ lực nhằm cứu sống người thân.

Theo AP, khi dịch bệnh ập đến như "sóng thần" và các bệnh viện quá tải, ôxy cạn kiệt, các gia đình dù giàu hay nghèo, có quyền lực hay không, đều "quay cuồng" tìm cách cứu chữa thân nhân khi ranh giới sinh - tử trở nên mong manh mỗi ngày.

Các gia đình giàu dĩ nhiên có tiền và các mối quan hệ để có thể tìm được giường chăm sóc tích cực và ôxy dễ dàng hơn người nghèo. Tuy nhiên, khi số ca bệnh bùng nổ trong thời gian ngắn, các bệnh viện quá tải và chật cứng, việc được tìm được giường bệnh cũng không phải là điều dễ dàng với những gia đình có năng lực tài chính.  

Ashok Amrohi cho rằng ông bị cảm lạnh khi bắt đầu ho vào ngày 21/4. Trước đó, nhà ngoại giao đã về hưu và vợ đều đã được tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19.

Ông Ashok từng là đại sứ Ấn Độ tại Algeria, Mozambique và Brunei. Sau khi về hưu, ông đã chuyển về Gurgaon, một thành phố ngoại ô New Delhi, sống một cuộc sống nhàn nhã với các trận golf và thưởng thức các bản nhạc tư đàn dương cầm. Ông là một nhân vật được tôn trọng, có học thức cao thuộc tầng lớp trung - thượng lưu ở Ấn Độ.

Nếu vào thời điểm không có dịch, ông dễ dàng tìm được giường bệnh tại các cơ sở y tế tốt nhất.

Tuy nhiên, khi Ashok mắc Covid-19, mọi thứ đã trở nên rất khác. Gia đình ông đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình khi họ kiếm được bình ôxy để giúp ông thở. Mặc dù vậy, lượng ôxy của ông liên tục giảm và họ trở nên bối rối.

Gia đình Amrohi nhanh chóng tìm sự giúp đỡ từ những mối quan hệ họ có được. Một người thông báo, họ sắp xếp được giường bệnh cho ông tại một bệnh viện gần nhà.

Ngày 26/4, vợ Ashok, bà Yamini và con trai Anupam đưa ông lên ô tô để nhập viện. Vào 19h30, họ tới được cơ sở y tế và nghĩ rằng Ashok sẽ nhanh chóng được đưa vào trong để bác sĩ cứu chữa. Nhưng họ đã nhầm. Họ cần điền giấy tờ nhập viện, nhưng đây lại là thách thức lớn nhất khi toàn bộ các nhân viên y tế ở đây đã quá tải.

Qua đời trong xe hơi

Khi nhà giàu cũng khóc trong đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ - 2

Ấn Độ đã ghi nhận 26,7 triệu ca bệnh, và trên 300.000 người chết vì Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Họ ngồi chờ 2 giờ đồng hồ trong ô tô. Một nhân viên y tế ra lấy mẫu xét nghiệm cho Ashok. Kết quả dương tính và hơi thở của ông dần trở nên nặng nề. Nhưng ông vẫn không được nhập viện.

"Tôi đã chạy vào trong quầy thủ tục cầu xin được giúp đỡ. Tôi van nài họ. Nhưng họ không phản ứng", bà Yamini cho biết.

Ba giờ, bốn giờ, rồi 5 giờ đồng hồ trôi qua. Anupam thường xuyên trở lại ô tô để kiểm tra tình trạng của cha và động viên ông: "Sắp xong rồi cha. Mọi thứ sẽ ổn thôi. Đừng rời bỏ chúng con".

Khi đồng hồ chuyển sang ngày 27/4, Ashok thở khó nhọc, ngực phập phồng, rồi lịm đi.

"Chỉ trong vài giây thôi mà ông ấy đã không còn nữa. Ông ấy đã qua đời trong vòng tay tôi", Yamini nói. Bà bước vào quầy làm thủ tục, giận dữ nói với các nhân viên y tế đang ngập đầu trong công việc: "Các người là những kẻ sát nhân".

Tuy nhiên, đây vẫn chưa là dấu chấm hết cho bi kịch mà gia đình Amrohi phải trải qua. Sau khi qua đời ở bãi đỗ xe, thi thể ông Ashok được cho vào túi nhựa và một chiếc xe cứu thương đã đưa thi thể này tới cơ sở hỏa thiêu.

Hỏa táng là một nghi lễ quan trọng trong đạo Hindu, là một cách để "giải phóng linh hồn một người để họ có thể tái sinh". Thông thường, một giáo sĩ sẽ thực hiện các nghi lễ trong đám tang và các thành viên gia đình sẽ tham gia để tiễn đưa người đã khuất.

Tuy nhiên, khi nhà Amrohi tới nơi hỏa táng, một hàng dài xe cứu thương đang xếp hàng trước mặt. Bên ngoài cổng cơ sở hỏa táng, 9 giàn thiêu đã được dựng lên khi số ca tử vong tăng vọt trong nhiều ngày.

Sau khi chờ đợi, Anupam cuối cùng cũng đã tới lượt tới châm lửa để hỏa táng cha mình theo đúng truyền thống. Thông thường, các gia đình sẽ đến trước giàn thiêu để cầu nguyện và chờ đợi nhận tro cốt của người thân về. Nhưng xung quanh gia đình Amrohi là các giàn thiêu đang cháy rực khác. Hơi nóng bốc lên ngột ngạt trong khi tro bụi bay kín không khí.

"Tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào thế này. Chúng tôi không thể chịu đựng được", bà Yamini cho biết. Họ đành trở lại xe và ngồi chờ đến khi phía cơ sở hỏa thiêu thông báo việc hỏa táng đã xong.