1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hungary nói Mỹ hưởng lợi từ suy thoái kinh tế tại châu Âu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhận định, Mỹ đã và đang hưởng lợi từ việc châu Âu bị suy thoái do cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga.

Hungary nói Mỹ hưởng lợi từ suy thoái kinh tế tại châu Âu - 1

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: Hungary News).

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình Hungary hôm 25/11, Ngoại trưởng Peter Szijjarto nhận định, các diễn biến tại Ukraine và các lệnh cấm vận EU áp lên Nga đang đẩy nền kinh tế châu Âu rơi vào khủng hoảng.

"Nếu chúng ta quan sát nền kinh tế toàn cầu, chúng ta có thể thấy EU đang thất thế. Khá rõ ràng để thấy đâu là bên đang hưởng lợi từ việc kinh tế châu Âu suy thoái. Vị thế và sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua", Bộ trưởng Hungary nói, cho rằng Mỹ đã được hưởng lợi từ việc kinh tế châu Âu đi xuống.

Ngoại trưởng Szijjarto cho rằng, luật giảm lạm phát của Mỹ, các lệnh hạn chế bán xe điện châu Âu vào thị trường Mỹ, và thuế quan áp lên mặt hàng nhôm dường như bị xem là vi phạm các quy tắc quản lý thương mại toàn cầu. Quan chức Hungary cho rằng, EU nên có các biện pháp đáp trả để hỗ trợ nền kinh tế và các công ty quốc gia ở châu Âu.

Hungary là thành viên EU và NATO nhưng giữ quan điểm tương đối trung lập vì phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Nước này từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và không đồng thuận với các lệnh trừng phạt năng lượng Nga mà EU đề xuất, cho rằng các biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho liên minh.

Trong khi đó, Politico dẫn các nguồn thạo tin cho hay, một số quan chức châu Âu dường như không hài lòng với các động thái gần đây của Mỹ, cho rằng Washington đang đạt được lợi ích từ xung đột ở Ukraine và các vấn đề kinh tế của EU.

Một quan chức cấp cao châu Âu nói với Politico rằng, Mỹ dường như là bên đang thu lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột vì "họ đang bán nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn, và vì họ đang bán nhiều vũ khí hơn".

Trước đó, Pháp và Đức đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vì bán khí đốt giá cao cho các đối tác EU. Châu Âu trong thời gian qua đã nỗ lực thoát phụ thuộc vào khí đốt chảy qua đường ống mua từ Nga, nhưng giờ đây họ lại phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ Mỹ với giá bán đắt gấp nhiều lần.

Trong một bài phát biểu trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng mô tả hành động này là "không thân thiện". Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, khi châu Âu nêu ra vấn đề này ở hội nghị thượng đỉnh G20 trước Mỹ, Tổng thống Joe Biden dường như không quá để tâm.

Về vấn đề luật giảm lạm phát của Mỹ, chương trình này đã cung cấp các khoản trợ cấp lớn và giảm thuế cho các doanh nghiệp xanh của Mỹ. EU lo ngại, luật này sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp châu Âu sản xuất xe điện.

"Chúng ta thực sự đang ở một thời điểm lịch sử," một quan chức EU nói với Politico, cho rằng những bất đồng Mỹ - EU có thể làm suy yếu những nỗ lực của phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine và liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, bằng cách cố gắng cô lập Moscow trong cuộc xung đột ở Ukraine, EU đang khiến các nước châu Âu và người dân trả giá vì "những sai lầm trong chiến lược của các chính trị gia".

Theo Tass, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm