1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hungary cảnh báo xung đột Nga - NATO có nguy cơ dẫn tới ngày tận thế

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary cảnh báo nếu Nga và NATO xung đột quân sự trực tiếp, kịch bản ngày tận thế có nguy cơ xảy ra.

Hungary cảnh báo xung đột Nga - NATO có nguy cơ dẫn tới ngày tận thế - 1

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: Hungary News).

Trả lời hãng tin RIA Novosti, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto kêu gọi cộng đồng quốc tế nên tập trung vào việc ngăn căng thẳng hiện tại giữa Nga và NATO trở nên tồi tệ hơn.

"Nếu bạn hỏi tôi thì tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là ngăn căng thẳng giữa Nga và NATO thành xung đột quân sự trực tiếp", ông Szijjarto cho biết.

Nhà ngoại giao cấp cao cảnh báo, hậu quả của một cuộc xung đột như vậy là rất thảm khốc. Ông bày tỏ hy vọng sẽ không bao giờ phải trải qua một cuộc chiến dữ dội như Thế chiến II.

"Chúng ta không muốn đặt sự sinh tồn của hành tinh này lên lằn ranh, vì kịch bản xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ không có hồi kết và mọi người đều hiểu nó có nghĩa là gì", ông cho hay, nhấn mạnh Hungary - quốc gia thành viên NATO - đang làm hết sức có thể để ngăn kịch bản ngày tận thế xảy ra.

Trước đó, ông tuyên bố Hungary sẽ không đẩy nhanh việc thúc đẩy áp lệnh trừng phạt mới lên Nga, đặc biệt là các biện pháp cấm vận ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng.

"Đó chắc chắn là lằn ranh đỏ của chúng tôi. Chúng tôi không muốn ép buộc người dân Hungary - những người không phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến (Nga - Ukraine), phải trả giá vì nó", ông nói.

Ông cũng cảnh báo nền kinh tế châu Âu đang bước vào giai đoạn suy thoái vì tác dụng ngược của các biện pháp trừng phạt Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 7 tháng qua.

Bình luận của quan chức Hungary diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt với tình hình giá khí đốt tăng phi mã, đẩy châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng dẫn tới lạm phát kỷ lục ở nhiều nước.

Hungary là thành viên EU và NATO nhưng giữ quan điểm tương đối trung lập vì phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Nước này từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và không đồng thuận với các lệnh trừng phạt năng lượng Nga mà EU đề xuất, cho rằng các biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho liên minh.

Trong khi đó, dù Nga giảm sản lượng dầu và khí đốt bán ra do các lệnh cấm vận, nhưng giá cả các mặt hàng tăng vọt khiến cho Moscow vẫn thu được doanh thu lớn từ năng lượng.

Hôm 11/9, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover cho rằng, EU từ đầu đã không thành công trong việc ngăn cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát bằng các biện pháp chính trị, dẫn tới kết cục hòa bình không thể được lập lại qua kênh ngoại giao.

Theo ông Kover, EU đã và đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về chính trị và kinh tế liên quan tới cách xử lý tình hình khủng hoảng ở Ukraine, và có thể bị xem là bên thất thế trong cuộc xung đột.

"EU đang hành động chống lại các lợi ích kinh tế cơ bản nhất của chính liên minh và có thể bị xem là bên thất thế, dù bất cứ bên nào có liên hệ trực tiếp với cuộc chiến tuyên bố chiến thắng", ông Kover nhận định.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng: "11.000 lệnh trừng phạt đang có hiệu lực đối với Nga nhưng xung đột vẫn tiếp diễn và những nỗ lực nhằm làm suy yếu Moscow đã không thành công".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm