1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bài toán khó của châu Âu khi cố "cai" năng lượng Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Châu Âu hướng đến chuyển đổi năng lượng xanh để thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga, nhưng EU lại tiếp tục phụ thuộc vào một đối thủ khác.

Bài toán khó của châu Âu khi cố cai năng lượng Nga - 1

Nhà ngoại giao cấp cao của EU Josep Borrell (Ảnh: AFP).

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 7/11 thừa nhận, EU đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc đối với những nguyên liệu chủ chốt để liên minh có thể vận hành chiến lược chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.

Ông Borell cảnh báo, kịch bản này có thể khiến châu Âu trở nên dễ tổn thương vì liên minh coi Trung Quốc là một đối thủ.

Theo quan chức trên, Trung Quốc là "đối tác kinh tế chủ chốt" của EU và khối này muốn hợp tác mang tính xây dựng với Bắc Kinh nhưng nước này cũng là một "đối thủ mang tính hệ thống" và sự cạnh tranh giữa 2 bên ngày càng trở nên quyết liệt. Vì vậy, việc tiếp tục phụ thuộc vào một đối thủ khác có thể sẽ tiếp tục đe dọa tới an ninh năng lượng của EU.

Ông Borell cho biết, Trung Quốc "đóng một vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng" của châu Âu và chiếm 90% nhu cầu magiê của EU, 90% nhu cầu đất hiếm và 80% tấm pin mặt trời được sử dụng trong khối.

"Sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc cho chiến lược chuyển đổi xanh đang lớn hơn sự phụ thuộc của chúng ta vào năng lượng hóa thạch từ Nga", nhà ngoại giao thừa nhận.

Do đó, ông kêu gọi, EU phải nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức bằng cách giải quyết các điểm yếu và tăng cường khả năng chống chịu.

EU có kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời cắt giảm lượng phát thải nhà kính ròng ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990.

Nhận định của ông Borell tương đồng phát biểu hồi tháng trước Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Bà Leyen đã thúc giục khối này giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ và nguyên liệu thô của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng họ có thể gặp phải cuộc khủng hoảng tương tự như khi Nga giảm nguồn cung năng lượng sang châu Âu. 

Trong một diễn biến có liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, châu Âu đang  "tự sát về mặt năng lượng" và đã đánh đổi tự do về năng lượng để trở nên phụ thuộc vào Mỹ.

Ông Grushko cáo buộc, EU đã hoàn toàn thờ ơ với vụ việc 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc chảy từ Nga sang Đức bị rò rỉ, nghi do là hành vi phá hoại.

"Nghiêm túc mà nói, chúng ta đang chứng kiến cách mà các nước Tây Âu đang đánh đổi sự tự do về năng lượng sang phụ thuộc vào Mỹ", ông cho hay.

Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ muốn làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU) về cả quân sự và kinh tế. Ông Lavrov nhận định, người dân châu Âu đang chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt Nga "hơn gấp nhiều lần so với Mỹ".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vào tháng 10 cho rằng, người Mỹ đang kiếm được khoản tiền lớn nhờ việc bán khí đốt cho các nước châu Âu với giá cao. Ông Peskov cảnh báo, diễn biến này có thể dẫn tới rủi ro EU bị phi công nghiệp hóa và những hậu quả nghiêm trọng cho khối từ 10-20 năm nữa.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm