DMagazine

Hợp tác Nga - Trung chạm đỉnh lịch sử trong "vòng xoáy" sức ép từ Mỹ

(Dân trí) - Trong cuộc họp thượng đỉnh, cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều đặt cờ của Nga và Trung Quốc ở phía sau, trái ngược với cuộc họp trực tuyến vào tuần trước của ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hợp tác Nga - Trung chạm đỉnh lịch sử trong "vòng xoáy" sức ép từ Mỹ

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/12 được cho là nhằm phát đi thông điệp quan trọng khi cả hai nước đều đối mặt với sức ép từ Mỹ và phương Tây.

Hợp tác Nga - Trung chạm đỉnh lịch sử trong vòng xoáy sức ép từ Mỹ - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua hình thức trực tuyến hôm 15/12 (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 từ Mỹ và các nước phương Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được lời hứa hẹn từ Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, ông sẽ tới dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh do Trung Quốc đăng cai vào năm sau.

Ông Tập Cận Bình cũng đề xuất Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác để "bảo vệ hiệu quả hơn lợi ích của hai nước". Đề xuất được đưa ra giữa lúc Nga đang phải đối mặt với những lời đe dọa trừng phạt từ phương Tây vì căng thẳng biên giới với Ukraine.

Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin ngày 15/12 là cuộc gặp lần thứ 37 của hai nhà lãnh đạo kể từ năm 2013. Sự kiện này không chỉ cho thấy sự gắn kết giữa Nga và Trung Quốc trước sức ép từ phương Tây, mà còn thể hiện mối quan hệ đối tác cùng có lợi, ngày càng được thắt chặt giữa hai nước.

"Chúng tôi kiên quyết ủng hộ nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của mỗi bên và bảo vệ giá trị của mỗi quốc gia", ông Tập Cận Bình nói với ông Putin.

Nga và Trung Quốc không thiết lập liên minh chính thức, nhưng ông Tập Cận Bình nói với ông Putin rằng "nếu xét về sự gần gũi và hiệu quả, mối quan hệ này thậm chí còn vượt xa một liên minh", trợ lý Điện Kremlin Yuri V. Ushakov nói với các phóng viên ở Moscow về cuộc họp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo.

Thông báo về cuộc họp thượng đỉnh của 2 nhà lãnh đạo Nga - Trung được đưa ra không lâu sau cuộc họp của ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 (Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada). Tại diễn đàn này, các ngoại trưởng tiếp tục bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ phải chịu "hậu quả lớn và trả giá đắt".

Theo Asia Times, G7 được xem như một mặt trận thống nhất của phương Tây nhằm đối phó Nga và Trung Quốc. Không chỉ với Nga, G7 cũng nhiều lần ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề, trong đó có Biển Đông, Hong Kong hay Tân Cương.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận về khả năng xây dựng một "cơ sở hạ tầng tài chính độc lập" để giảm bớt sự phụ thuộc của Nga và Trung Quốc vào các ngân hàng phương Tây cũng như nguy cơ bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình cũng để ngỏ ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Ấn Độ - một dấu hiệu cho thấy tham vọng địa chính trị lớn hơn của các nhà lãnh đạo. Tuần trước, Tổng thống Putin đã tới New Delhi để gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

"Một mô hình hợp tác mới đã được hình thành giữa hai nước chúng ta, dựa trên các nền tảng như không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng lợi ích của nhau", ông Putin nói với ông Tập Cận Bình.

Kỳ vọng của mỗi bên trong cuộc họp thượng đỉnh

Hợp tác Nga - Trung chạm đỉnh lịch sử trong vòng xoáy sức ép từ Mỹ - 2
Hợp tác Nga - Trung chạm đỉnh lịch sử trong vòng xoáy sức ép từ Mỹ - 3

Quốc kỳ Nga và Trung Quốc được đặt phía sau hai nhà lãnh đạo trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 15/12 (Ảnh: Reuters, Xinhua).

Trong cuộc họp thượng đỉnh, cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều đặt cờ của Nga và Trung Quốc ở phía sau, trái ngược với cuộc họp trực tuyến vào tuần trước của ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Khi đó, ông Putin chỉ phát biểu bên cạnh cờ Nga. Các nhà phân tích cho rằng một yếu tố quan trọng trong quan hệ Nga - Trung là mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình gọi ông Putin là "bạn cũ", trong khi Tổng thống Nga gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là "người bạn thân thiết" và "bạn quý".

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình và ông Putin bước vào cuộc họp thượng đỉnh với các ưu tiên ngắn hạn khác nhau. Đối với ông Tập Cận Bình, cuộc gặp lần này là cơ hội để xoa dịu những chỉ trích đang gia tăng nhằm vào các động thái của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và một loạt các vấn đề khác.

Ông Tập Bình hy vọng cuộc gặp với ông Putin là cơ hội để cho thế giới thấy rằng Trung Quốc vẫn có bạn bè, đối tác và không bị cô lập về mặt ngoại giao, đặc biệt trước thềm Thế vận hội mùa đông, từ đó cho thấy vị thế toàn cầu của Trung Quốc, chứ không phải làm xấu đi mối quan hệ của Bắc Kinh với phần còn lại của thế giới.

"Tôi hy vọng vào tháng 2 năm sau, chúng ta sẽ gặp nhau trực tiếp tại Bắc Kinh. Chúng ta đã không ngừng hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hợp tác thể thao, bao gồm việc không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa thể thao", Tổng thống Putin nói với ông Tập Cận Bình.

Đối với Tổng thống Putin, cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Nga đang đối mặt với sức ép từ Mỹ và các đồng minh phương Tây do những căng thẳng trong vấn đề Ukraine.

Karen Donfried, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á - Âu, đã có mặt ở Moscow hôm 15/12 để thảo luận về vấn đề Ukraine. Trợ lý Điện Kremlin Ushakov nói rằng các quan chức Nga đã đưa ra đề xuất chi tiết về các yêu cầu của Tổng thống Putin trước đây, bao gồm yêu cầu phương Tây phải dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine và ngừng mở rộng liên minh NATO bằng cách thu nạp Ukraine hoặc các quốc gia khác trong khu vực.

Hợp tác Nga - Trung chạm đỉnh lịch sử trong vòng xoáy sức ép từ Mỹ - 4

Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung hội đàm hôm 15/12 (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, giới chức phương Tây đang lo ngại hoạt động chuyển quân của Nga gần biên giới Ukraine, cho rằng Moscow sẵn sàng tấn công quân sự ngay cả khi đưa ra các đề xuất ngoại giao. Các tuyên bố công khai của phía Trung Quốc về hội nghị thượng đỉnh với Nga không đề cập tới vấn đề Ukraine hay NATO, nhưng vẫn ám chỉ tới những lo ngại về an ninh của Nga.

"Trung Quốc và Nga nên tiến hành nhiều hoạt động chung hơn để bảo vệ hiệu quả hơn các lợi ích an ninh của cả hai nước", ông Tập Cận Bình nói với ông Putin.

Mặt trận đoàn kết của hai nhà lãnh đạo Nga - Trung tại hội nghị thượng đỉnh dường như nhằm phản đối hội nghị thượng đỉnh "vì dân chủ" do Tổng thống Biden chủ trì gần đây. Sự kiện này được xem là nỗ lực nhằm xây dựng một "bức tường thành" chống lại các nước như Nga và Trung Quốc.

Giáo sư Cheng Xiaohe tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã mở ra cho hai nhà lãnh đạo cơ hội để thể hiện "sự ủng hộ lẫn nhau và mặt trận chung" khi đối đầu với Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm kinh tế toàn cầu bất ổn và căng thẳng quốc tế gia tăng.

"Cả Trung Quốc và Nga đều phải đối mặt với sức ép giống nhau từ Mỹ. Do vậy, hai nước cần ủng hộ lẫn nhau về mặt ngoại giao", ông Cheng nhận định.

Mỹ không thể đồng thời đối đầu với cả Trung Quốc và Nga về mặt quân sự. Hơn nữa, nếu Nga - Trung đồng lòng với nhau cả về sức mạnh quân sự và các mục tiêu chính sách đối ngoại, điều đó sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực Á - Âu và gây bất lợi cho Mỹ. Mỹ vẫn sở hữu lực lượng quân sự uy lực nhất thế giới và chắc chắn mạnh hơn Trung Quốc hoặc Nga nếu hai nước đứng riêng lẻ. Nhưng nếu mặt trận thống nhất Nga - Trung hình thành, đây sẽ là thách thức chiến lược đối với Washington.

Các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc vẫn thường xuyên trao đổi với nhau, mặc dù phần lớn qua hình thức trực tuyến kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Điều khác thường trong cuộc gặp lần này là Trung Quốc nỗ lực đưa ra thông điệp trước.

"Hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa hai quốc gia là điều cần thiết trong thế giới đầy biến động hiện nay", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Mối quan hệ trải qua thăng trầm

Hợp tác Nga - Trung chạm đỉnh lịch sử trong vòng xoáy sức ép từ Mỹ - 5

Lính thủy đánh bộ Trung Quốc và Nga ôm nhau trong một cuộc tập trận hải quân chung ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc năm 2016 (Ảnh: Xinhua).

Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy quan hệ song phương sau nhiều thập niên nghi kỵ, thậm chí nổ ra xung đột ở biên giới.

Chung nhau hơn 4.000 km biên giới đất liền, Nga và Trung Quốc cho đến nay vẫn tồn tại mâu thuẫn trong các vấn đề liên quan đến lịch sử hay việc khai thác gỗ ở Siberia. Làn sóng đổ bộ của người Trung Quốc vào khu vực Siberia để khai thác gỗ đã dẫn đến những tác động tiêu cực và phản ứng bất mãn của người dân Nga.

Tuy nhiên, về thương mại, an ninh và địa chính trị, Nga và Trung Quốc ngày càng đứng trên cùng một "chiến tuyến". Hai nước hình thành một khối để đối phó với ảnh hưởng của Mỹ trong bối cảnh mâu thuẫn với Washington ngày càng sâu sắc hơn.

Khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Tổng thống Putin đã chuyển hướng sang Trung Quốc để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt. Hai nước tăng cường hoạt động thương mại xuyên biên giới, từ xuất khẩu khí đốt cho tới gỗ.

Cùng năm đó, đánh giá của công chúng Nga về Trung Quốc cũng được cải thiện mạnh mẽ. Theo kết quả thăm dò độc lập của Trung tâm Levada, 70% người Nga hiện có góc nhìn tích cực về Trung Quốc, cao hơn nhiều so với Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine.

Quân đội Nga và Trung Quốc cũng tăng cường các cuộc tập trận chung, thậm chí cả các hoạt động tác chiến trên không và trên biển. Vào tháng 10, hải quân hai nước lần đầu tuần tra chung ở Thái Bình Dương. Hai bên cũng cam kết hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, Dmitri Rogozin, người đứng đầu chương trình vũ trụ của Nga, nói rằng ý tưởng về trạm không gian chung của Nga và Trung Quốc "sẽ dựa trên các nguyên tắc hợp tác bình đẳng, minh bạch và đồng thuận trong quá trình ra quyết định", ngược lại với các nguyên tắc do Mỹ đặt ra trong dự án của mình.

Báo Global Times dẫn lời học giả Cui Heng tại Trung tâm Nghiên cứu Nga cho biết, cuộc gặp trực tuyến gần đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Nga đã nhận thức rằng, chỉ bằng cách bắt tay với nhau, họ mới có thể "chống lại cuộc tấn công từ lực lượng do Mỹ dẫn đầu và tránh rơi vào thế bị động".

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những hạn chế trong mặt trận thống nhất Nga - Trung. Trung Quốc chưa bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, trong khi Nga cũng không công khai đứng về phía Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Hai nước cũng không bị ràng buộc trong một liên minh hiệp ước chính thức để duy trì khả năng hành động độc lập và linh hoạt của từng bên.

"Tôi không nghĩ rằng hai nước đã đạt đến giai đoạn mà Bắc Kinh sẽ ủng hộ bất kỳ hành động mạo hiểm nào của Nga ở Ukraine, và Nga cũng không sẵn sàng đứng về phía Trung Quốc nếu Trung Quốc quyết định thống nhất Đài Loan. Tôi cho rằng mỗi nước sẽ giữ mức độ trung lập nhất định đối với bên còn lại", giáo sư Sergey Radchenko tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp Cao Johns Hopkins nhận định.