1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia nhận định 3 điểm đáng chú ý từ thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình

Thành Đạt Mỹ Lệ

(Dân trí) - GS. TS Phạm Quang Minh cho rằng, việc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung họp thượng đỉnh tuần này là một thành công nhưng không có đột phá, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở "điểm trũng".

Chuyên gia nhận định 3 điểm đáng chú ý từ thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 15/11 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11 đã tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên kể từ khi ông Biden đắc cử hồi tháng 1.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã có hai lần trao đổi qua điện thoại. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình lần này được giới chuyên gia đánh giá là cuộc thảo luận có ý nghĩa quan trọng nhất của ông Biden và ông Tập từ trước đến nay.

Trao đổi với Dân trí, GS. TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra một số nhận định về hội nghị thượng đỉnh lần này của Mỹ và Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, sau Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (11/11), ông Tập Cận Bình đã ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình. Chính điều đó đã tạo nên tâm thế tự tin cho ông Tập trước cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden.

Về phía Mỹ, sau 11 tháng ông Biden lên nắm quyền, tình hình nước Mỹ tương đối ổn định. Mỹ đã quay trở lại thể hiện vai trò trên một số mặt trận, trong đó có việc thiết lập lại quan hệ đồng minh như Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), AUKUS (Mỹ, Anh, Australia).

Thẳng thắn nhưng có không đột phá

Trên mặt trận đa phương, tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Mỹ đã khẳng định được vị thế của mình khi các quốc gia đều cam kết hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp nhằm ngăn chặn những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Lòng tin của các nước vào Mỹ đã khôi phục lại, giúp cho Mỹ bước đầu xây dựng lại uy tín và niềm tin nhất định.

"Nhìn chung, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang ở "điểm trũng", không có điểm gì chung về các mặt, ngoại trừ thỏa thuận sau COP26. Do đó, trong bối cảnh căng thẳng và tồn tại nhiều mâu thuẫn, đặc biệt chính sách quyết đoán của Trung Quốc về một loạt vấn đề như Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương… càng khiến cho hai bên cần ngồi lại với nhau để giải quyết mâu thuẫn song phương", GS Minh nhận định.

GS Minh cho rằng, Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều mục đích khi ngồi lại với nhau tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Do vẫn tồn tại nhiều khác biệt, cả hai nước cần giải quyết nhiều việc, từ quan hệ song phương cho đến những vấn đề đa phương. Nếu nhìn theo quan hệ song phương, có rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Đài Loan. Ngoài ra còn những vấn đề về chiến tranh thương mại, quân sự, an ninh hay một số điểm nóng như Afghanistan…

Có thể thấy, mục đích của Mỹ và Trung Quốc chắc chắn là tìm hiểu nhau nhiều hơn, dò xét quan điểm của đối phương hơn là đạt được thỏa thuận nào đó. Bởi vì sự khác biệt rất lớn, nên mục đích của hai bên thực sự là tìm hiểu nhau, nắm bắt đối phương suy nghĩ gì, từ đó đề ra những phương án trong tương lai, hướng tới mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng. Nhìn chung, hai bên hướng đến việc thăm dò ý kiến của nhau nhiều hơn là đi đến giải pháp cụ thể cho những mâu thuẫn còn tồn đọng.

Chuyên gia nhận định 3 điểm đáng chú ý từ thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình - 2

Màn hình tại một nhà hàng ở Bắc Kinh chiếu hình ảnh về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung (Ảnh: Reuters).

Đánh giá về kết quả của hội nghị, GS Minh cho rằng cuộc gặp lần này của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung không đạt được kết quả cụ thể vì bối cảnh căng thẳng trong quan hệ song phương và hai nước vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Hai bên không đưa ra tuyên bố chung hay cam kết rõ ràng sau hội nghị, nhưng điều đó không có nghĩa cuộc gặp đã thất bại, vì ngay từ đầu hai bên không đặt mục tiêu là phải đạt được một cam kết cụ thể.

"Thành công của cuộc gặp là sự thẳng thắn của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Cả hai đều thẳng thắn thể hiện rằng, họ không né tránh những vấn đề quan trọng nhất. Nếu họ né tránh, hai bên có thể sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và từ sự hiểu lầm sẽ dẫn đến hậu quả", GS Minh cho biết.

Nếu xét trên mục đích đặt ra ban đầu là hai bên gặp được nhau và trình bày quan điểm về các vấn đề để hiểu nhau hơn, hội nghị thượng đỉnh lần này đã được xem là sự kiện thành công. Cuộc gặp giúp cho hai bên hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Hàm ý cách gọi "bạn cũ"

Ông Tập gọi ông Biden là "bạn cũ" trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên

Trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi nhà lãnh đạo Mỹ là "người bạn cũ". Theo GS Minh, xét trên góc độ văn hóa của người châu Á, cụm từ "người bạn cũ" thường mang ý nghĩa muốn nhắc lại kỷ niệm đẹp, nhưng việc nhắc lại đó chỉ là một cách đem lại hiệu ứng về mặt ngoại giao.

Ngày 17/11, khi được hỏi hàm ý của ông Tập Cận Bình khi gọi ông Biden là "bạn cũ", người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates cho biết: "Tôi sẽ không nói thay cho Chủ tịch Tập Cận Bình... Tổng thống Biden đã nói rất rõ ràng rằng ông ấy có mối quan hệ lâu dài với Chủ tịch Tập Cận Bình, họ đã có nhiều thời gian làm việc cùng nhau, họ có thể thảo luận một cách thẳng thắn và trực diện với nhau, điều đó giúp cho các cuộc thảo luận trở nên hiệu quả. Tuy nhiên, Tổng thống không coi Chủ tịch Tập là bạn cũ".

"Người bạn cũ" là cách người phương Đông gợi nhớ lại kỷ niệm, tuy nhiên bạn cũ cũng có thể giúp cho người ta hiểu được bản chất, nắm được mặt mạnh, mặt yếu của một cá nhân. Là lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới, họ hiểu rằng không thể để tình bạn can thiệp vào công việc.

Về cơ bản, ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden đã từng biết nhau trước đó. Ông Tập Cận Bình từng đến thăm Mỹ và ông Joe Biden cũng từng đến Bắc Kinh khi cả hai còn là cấp phó cho lãnh đạo hai nước. Mối quan hệ cá nhân đó có thể giúp cho họ hiểu nhau hơn, tuy nhiên đứng trên cương vị là hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, lợi ích quốc gia vẫn là quan trọng nhất. Khi được đặt vào vị trí này, cả hai bên đều rất kiên định với mục tiêu, lợi ích quốc gia của họ.

Vừa hợp tác vừa đấu tranh

Chuyên gia nhận định 3 điểm đáng chú ý từ thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình - 3

Các phóng viên đưa tin thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Sau hội nghị thượng đỉnh lần này, GS Minh dự đoán Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục vừa hợp tác vừa đấu tranh trên các lĩnh vực, nói như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là "cạnh tranh khi có thể, hợp tác khi cần và đối đầu khi bắt buộc". Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hiện nay đều là những người rất cương quyết, do vậy, chủ trương vừa hợp tác vừa đấu tranh sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt.

Nhận định về chính sách với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden, GS Minh cho rằng chính quyền mới của Mỹ vừa kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump, vừa đổi mới trong cách tiếp cận với Bắc Kinh. Ông Biden kế thừa lập trường cứng rắn với Trung Quốc và không thay đổi thái độ khi bảo vệ lợi ích của Mỹ.

"Tuy nhiên, điểm khác biệt chính của Tổng thống Biden là ông không đối phó với Trung Quốc một mình mà có sự gắn kết với các đồng minh và tạo ra một mặt trận mới. Từ việc thành lập AUKUS, phát triển Bộ Tứ cho đến những chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ, tăng cường hỗ trợ các nước châu Á trong phòng chống đại dịch Covid-19… Điều đó cho thấy Mỹ đã thực sự quay trở lại và tiếp tục vai trò lãnh đạo", GS Minh cho biết.

GS Minh nhận định Đông Nam Á có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Chiến lược quan trọng nhất của Mỹ bây giờ là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á đang nằm ở tâm điểm của chiến lược này. Không chỉ Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU) cũng có rất nhiều lợi ích cả về góc độ kinh tế và địa chính trị ở khu vực này.

Vấn đề quan trọng hiện nay là Đông Nam Á phải biết tận dụng vị trí thuận lợi đó, tránh bị rơi vào tình huống phải chọn phe. Chìa khóa quan trọng nhất để đạt được điều đó là sự đồng thuận giữa các nước Đông Nam Á. Hiện nay, đồng thuận và đoàn kết là ưu tiên số một tại Đông Nam Á. Nếu đạt được điều đó thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, tránh được tình thế phải chọn nghiêng về bên nào.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy sáng kiến Vành đai - Con đường, tăng cường tập hợp lực lượng sẽ đặt ra một thách thức lớn với các nước Đông Nam Á, do vậy cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực tiếp tục là câu chuyện không hồi kết. GS Minh cho rằng câu chuyện tương lai của khu vực phụ thuộc khả năng chèo lái và vai trò trung tâm của ASEAN.