1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hồi kết buồn của Thủ tướng Anh Tony Blair

(Dân trí) - Mới đây Thủ tướng Anh Tony Blair buộc phải tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường vào năm 2007 để nhường chỗ cho một nhân vật mới nổi ở Công đảng, Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown. Tuyên bố của ông Blair được đưa ra sau hàng loạt phản ứng dữ dội trong nội bộ Công đảng yêu cầu ông phải ra đi.

Suốt từ tháng 5-2006, dư luận nước Anh đã bắt đầu nói đến sự ra đi của Thủ tướng Blair sau khi Công đảng thất bại nặng trong kỳ bầu cử Hội đồng địa phương. Kỳ bầu cử như một đòn giáng mạnh của cử tri đối với Công đảng và đặc biệt là với ông Blair.

 

Để cứu vãn tình hình, nội bộ Công đảng  hình thành âm mưu lật đổ Thủ tướng. Một Liên minh giữa những dân biểu trẻ và nghị sĩ lớn tuổi đã hình thành  trong nội bộ Công đảng, gây áp lực buộc Thủ tướng Tony Blair phải từ chức để nhường chỗ cho Bộ trưởng Tài chính Gordon. Liên mình này lo ngại một thất bại dây chuyền sẽ làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Công Đảng.

 

Với Policy Network, một tổ hợp truyền thông chuyên vận động hành lang trên chính trường Anh thì cuộc lật đổ diễn ra trong nội bộ Công đảng bắt nguồn từ những sai sót trong công việc điều hành đất nước của ông Blair và các vấn đề đạo đức của một vài thành viên trong Chính phủ.

 

Đối với người dân châu Âu nói chung và người Anh nói riêng, việc ông Blair đứng về phía Mỹ và Israel trong cuộc chiến tại Liban vừa qua là một hành động đáng bị lên án, là điều sỉ nhục đối với nước Anh. Không những thế Thủ tướng Blair còn tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ hành động tấn công Liban của Israel vô điều kiện. Điều này càng làm cho dân chúng bất bình.

 

Một sai lầm khác ông Blair phạm phải đã khiến người dân Anh không thể tha thứ: Cuối tháng 8-2006, khi các nguồn tin tình báo đáng tin cậy thông báo một âm mưu khủng bố lớn đang diễn ra nhằm vào các sân bay của Anh thì ngài Thủ tướng đang đi nghỉ hè ở quốc đảo Barbados thuộc Trung Mỹ.

 

Từ sai lầm này đến sai lầm khác đã làm uy tín của ông Blair trong lòng dân chúng giờ chỉ xấp xỉ con số 0. Trên số báo ra ngày 10-12-2006 của tờ Guardian, ông Denis Macshane, cựu Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Chính phủ Tony Blair đã phát biểu về vị Thủ tướng của mình: "Ông Tony, một ngôi sao thất bại! Không ai muốn nghe ông nói, chẳng ai tín nhiệm ông nữa. Làm sao có thể đặt niềm tin vào một người không có khả năng giải quyết những hậu quả do chính mình gây ra".

 

Góp phần làm giảm uy tín của ông Blair là phu nhân Cherie Blair. Dưới con mắt của người dân Anh bà Cherie là một phụ nữ yêu tiền bạc và không biết ngoại giao.

 

Ngày 17-7-2006 khi tháp tùng phu quân đến Saint Petersbourg tham dự Hội nghị G8, bà Cherie đã làm một việc trái khoáy là tiếp xúc với các nhà hoạt động xã hội người Nga để lên án Tổng thống Putin đã bóp nghẹt dân chủ ở Nga.

 

Hành động dại dột của bà đã phủ bóng mờ lên cuộc gặp bên lề Hội nghị giữaThủ tướng Blair và TT Putine. Bộ ngoại giao Anh đã phải lên tiếng thanh minh và xin lỗi TT Putin về sự việc đáng tiếc này.

 

Bà Cherie còn bị người Anh chỉ trích đã lạm dụng địa vị để kiếm tiền bằng công việc diễn thuyết. Gần đây nhất là trong chuyến công du cùng Thủ tướng Blair đến Mỹ, phu nhân Blair đã tranh thủ đến diễn thuyết tại trung tâm Hội nghị John Kennedy để nhận khoản thù lao đăng đàn là 30.000 USD.

 

Biện minh cho hành động của mình bà nói rất cần tiền để ổn định cuộc sống gia đình khi Thủ tướng Blair rời chính trường.

 

Phản ứng trước thái độ của người dân, ông Blair tuyên bố chỉ rời khỏi chức vụ sau Hội nghị G8 vào tháng 6-2007. Trước mắt nhóm chống đối Thủ tướng phải nhượng bộ.

 

Liệu vị thế của Công đảng có bị ông Tony Blair hủy hoại không, sau hơn một thập niên đảng này thống trị chính trường Anh?

 

Câu hỏi này hoàn toàn có căn cứ vì theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây của đài BBC thì có đến 59% người dân Anh sẽ bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới, 2/3 người dân Anh khi được hỏi đều trả lời là không còn tin vào ngài Thủ tướng nữa.

 

HH

Theo Le Monde