1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga lên tiếng về kế hoạch đàm phán hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin khẳng định bất kỳ kế hoạch đàm phán hòa bình nào với Ukraine đều phải tính đến tình hình thực địa.

Nga lên tiếng về kế hoạch đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Reuters rằng kế hoạch do các cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine cần tính đến tình hình trên chiến trường.

"Giá trị của bất kỳ kế hoạch nào đều phải tính đến tình hình thực tế trên thực địa", ông Peskov tuyên bố hôm 25/6.

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi có thông tin rằng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét kế hoạch cắt viện trợ nếu Ukraine không đàm phán với Nga.

Keith Kellogg và Fred Fleitz, hai cố vấn chủ chốt của ông Trump, đã trình bày với ông một kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine nếu ông thắng cử tổng thống. Kế hoạch này bao gồm việc tuyên bố với Ukraine rằng họ sẽ chỉ nhận thêm vũ khí của Mỹ nếu tham gia đàm phán hòa bình.

Đồng thời, Mỹ sẽ cảnh báo Nga rằng bất kỳ sự từ chối đàm phán nào sẽ dẫn đến việc Washington tăng cường hỗ trợ cho Kiev. Theo kế hoạch, sẽ có một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine dựa trên các chiến tuyến hiện hành trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Theo ông Fleitz, Ukraine không nên chính thức nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, dù Kiev khó có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ trong thời gian ngắn. Ông cũng lưu ý rằng "hòa bình" sẽ đòi hỏi phải cung cấp cho Kiev những đảm bảo an ninh bổ sung, bao gồm việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

Đây có thể coi là kế hoạch chi tiết nhất từ trước đến nay từ các cộng sự của ông Trump. Ông nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử tổng thống.

Đề xuất này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ về cuộc chiến và có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ các đồng minh châu Âu cũng như ngay trong đảng Cộng hòa.

Ông Fleitz cho biết họ đã trình bày chiến lược của mình với ông Trump và nhận được sự ủng hộ từ cựu Tổng thống.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định Nga vẫn sẵn sàng đàm phán với Ukraine.

"Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng Nga đã và vẫn sẵn sàng đàm phán, có tính đến tình hình thực tế trên thực địa. Chúng tôi vẫn sẵn sàng đàm phán và để đánh giá kế hoạch (đàm phán), trước tiên chúng tôi phải nắm rõ kế hoạch đó", ông Peskov nói thêm.

Ông Peskov nói rằng những đề xuất hòa bình gần đây của Tổng thống Putin không được phương Tây và Ukraine chấp nhận.

"Tổng thống Putin gần đây đã đưa ra một sáng kiến hòa bình, nhưng đáng tiếc là sáng kiến này không được phương Tây cũng như chính người Ukraine chấp nhận", ông Peskov cho biết.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/6, Tổng thống Putin ra hiệu rằng Nga sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nếu Kiev đáp ứng một số điều kiện: nhượng lại toàn bộ 5 khu vực của Ukraine đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sát nhập vào Nga, bao gồm Crimea; loại bỏ quân đội hiện có của Ukraine ở các khu vực này; từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO; cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như "phi quân sự hóa", "phi quốc tế hóa" và tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga.

Lời đề nghị của ông Putin ngay lập tức bị tổng thống Ukraine từ chối, gọi đây là "tối hậu thư". Các quan chức phương Tây cũng nhanh chóng chỉ trích đề xuất này.

Theo Reuters, Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm