Bị nhắc nhở liên tục, mẹ vẫn ngang nhiên dắt con đi ăn xin chuyên nghiệp
(Dân trí) - TPHCM vẫn còn nhiều trường hợp mẹ dắt con đi lang thang, xin ăn trên đường. Khi bị kiểm tra, người mẹ xuất trình giấy tờ tạm trú nên cơ quan chức năng không thể thu dung.
Đó là thực trạng mà bà Phạm Thị Thu Giang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 1 (TPHCM) phản ánh tại hội nghị giao ban hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của ngành.
Thống kê đến ngày 5/5, các cơ sở xã hội trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận ban đầu 800 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn theo Quyết định số 812/QĐ-UBND của UBND Thành phố, trong đó có 118 trường hợp có dấu hiệu tâm thần.
Quận 1 là địa bàn phức tạp nhất khi có đến 449 người lang thang, xin ăn được thu dung trong 6 tháng đầu năm. Trong số đó có 327 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, 92 người lang thang, 17 người tâm thần…
Theo bà Thu Giang, quận 1 là trung tâm của thành phố, có nhiều hoạt động xã hội sôi động với lượng người đến làm việc, du lịch, mua bán… rất lớn. Đặc biệt, các hoạt động lễ hội thường xuyên được tổ chức vào cuối tuần, nhất là tại các tuyến phố trung tâm như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi… Đó là lợi thế để quận 1 phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, quận 1 ghi nhận số người lang thang, xin ăn gia tăng mạnh. Họ chủ yếu là người đến từ các địa phương khác, thường tụ tập quanh các sự kiện đông người, giao lộ, công viên, trạm xe buýt… để xin tiền người đi đường.
Bà Thu Giang nhấn mạnh về việc xuất hiện tình trạng người lang thang xin ăn chuyên nghiệp nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 1 dẫn chứng trường hợp một người mẹ dắt theo con nhỏ xin ăn thường xuyên ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi tổ công tác tập trung, kiểm tra giấy tờ thì người mẹ xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nơi tạm trú nên chỉ có thể khuyên nhủ rồi trả về chứ không thể thu dung, đưa đến cơ sở bảo trợ xã hội như trường hợp người lang thang.
Theo bà Thu Giang, sau mỗi lần bị kiểm tra, mẹ con trên lại xuất hiện ở phố đi bộ để xin tiền, cơ quan chức năng xử lý nhiều lần vẫn không thay đổi. Bà cho biết: "Lực lượng của tổ công tác rất mất công sức với các trường hợp này".
Do đó, bà Thu Giang đề nghị Thành phố cần có những chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý những đối tượng chăn dắt trẻ em, người già, người khuyết tật… đi xin ăn chuyên nghiệp như trên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết Thành phố sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện Quyết định 812 trong tháng 7 tới. Từ đó, Thành phố sẽ đánh giá cụ thể các thuận lợi cũng như hạn chế mà các bên liên quan đang gặp phải để có giải pháp giải quyết vấn đề người lang thang xin ăn hiệu quả hơn.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), cho biết: "Quan điểm nhất quán của ngành lao động TPHCM lâu nay là tuyên truyền người dân không nên cho tiền người lang thang, trẻ em xin ăn trên đường phố".
Theo bà Kim Thanh, việc cho tiền người ăn xin, làm từ thiện tự phát không đúng cách sẽ làm cho người được trợ giúp ỷ lại, kéo theo nhiều vấn nạn xã hội khác. Ngoài ra, khi cho trẻ em tiền, những đối tượng trục lợi càng quyết tâm đẩy trẻ ra đường nhiều hơn…
Bà Kim Thanh nhấn mạnh: "Có khi, trẻ em phải trả giá cho sự hào phóng của bạn. Khi bạn cho trẻ em ăn xin tiền, thức ăn, quà tặng hay mua bất cứ thứ gì, nghĩa là bạn đang khuyến khích các em tiếp tục công việc này, khuyến khích người lớn đẩy trẻ ra đường làm công việc này".