Ông Trump xem xét cắt viện trợ nếu Ukraine không đàm phán với Nga
(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ kế hoạch của các cố vấn về giải quyết xung đột Nga - Ukraine, trong đó hối thúc hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Keith Kellogg và Fred Fleitz, hai cố vấn chủ chốt của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã trình bày với ông một kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine nếu ông thắng cử tổng thống. Kế hoạch này bao gồm việc tuyên bố với Ukraine rằng họ sẽ chỉ nhận thêm vũ khí của Mỹ nếu tham gia đàm phán hòa bình.
Đồng thời, Mỹ sẽ cảnh báo Nga rằng bất kỳ sự từ chối đàm phán nào sẽ dẫn đến việc Washington tăng cường hỗ trợ cho Kiev, Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, một trong những cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Theo kế hoạch, sẽ có một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine dựa trên các chiến tuyến hiện hành trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Đây có thể coi là kế hoạch chi tiết nhất từ trước đến nay của các cộng sự của ông Trump. Ông nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử tổng thống.
Đề xuất này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ về cuộc chiến và có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ các đồng minh châu Âu cũng như ngay trong đảng Cộng hòa.
Ông Fleitz cho biết họ đã trình bày chiến lược của mình với ông Trump và nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống.
Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Trump, Steven Cheung cho biết chỉ những tuyên bố của cựu Tổng thống hoặc các thành viên được ủy quyền trong chiến dịch tranh cử của ông mới được coi là chính thức.
Phía Nga và Ukraine hiện chưa bình luận về đề xuất trên.
Hoãn kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine
Các cố vấn của ông Trump cho rằng cần nhanh chóng đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán nếu ông Trump tái đắc cử.
"Chúng tôi sẽ nói với Ukraine rằng các vị cần ngồi vào bàn đàm phán, nếu không, Mỹ sẽ cắt viện trợ. Chúng tôi cũng sẽ nói với Nga rằng các vị phải đàm phán, nếu không chúng tôi sẽ cấp cho Ukraine vũ khí chống lại Nga", ông Kellogg nói.
Cố vấn của ông Trump lập luận, Moscow cũng sẽ bị thuyết phục ngồi vào bàn đàm phán khi NATO cam kết tiếp tục trì hoãn kết nạp Ukraine.
Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2/2022. Trước khi Nga đạt được một số bước tiến trong những tháng gần đây, tiền tuyến hầu như không thay đổi kể từ cuối năm đó bất chấp hai bên tiêu hao đáng kể về quân lực.
Ông Fleitz cho biết Ukraine không cần phải chính thức nhượng lại lãnh thổ cho Nga theo kế hoạch của họ. Tuy nhiên, theo ông, Ukraine khó có thể lấy lại quyền kiểm soát hiệu quả toàn bộ lãnh thổ của mình trong thời gian tới. Ông nói: "Điều chúng tôi lo ngại là một cuộc chiến tranh tiêu hao sẽ hủy hoại cả một thế hệ thanh niên".
Ông Kellogg và Fleitz cho biết, một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine sẽ đòi hỏi những đảm bảo an ninh bổ sung cho Ukraine. Ông Fleitz lưu ý thêm, việc trang bị cho Ukraine những thứ mà họ cần có thể sẽ là yếu tố then chốt của mục tiêu đó.
Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra cách đây hơn 2 năm. Tuy nhiên, hiện nay, một số đảng viên Cộng hòa có thể sẽ thận trọng hơn với kế hoạch tăng cường viện trợ cho Kiev.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng kế hoạch trên của cố vấn ông Trump có thể giúp Moscow giành thế thượng phong trong các cuộc đàm phán.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng này cho biết, xung đột có thể kết thúc nếu Ukraine đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với 4 tỉnh gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk, Lugansk.