1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga nêu điều kiện khởi động đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các cuộc đàm phán về giải quyết xung đột ở Ukraine nên bắt đầu bằng một phương án rõ ràng.

Nga nêu điều kiện khởi động đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: TASS).

"Đó cần phải là một sự khởi đầu rõ ràng. Ý tôi là không nên có bất kỳ điều khoản nào chuẩn bị trước do phương Tây đưa ra", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25/6 phát biểu trước giáo viên và sinh viên Học viện An ninh Belarus.

Ông nói thêm: "Hoặc hãy để họ cung cấp cho chúng tôi một số bức tranh thực tế về cách phương Tây nhìn nhận điều này (giải quyết xung đột)".

Ông cho biết quan điểm của Moscow về vấn đề này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm 14/6 khi ông gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra các đề xuất hòa bình mới về giải quyết xung đột Ukraine.

Theo đó, Nga đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporizhia thuộc Nga. Chủ nhân Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Moscow cũng yêu cầu khôi phục quyền của người Nga, người nói tiếng Nga. Ông Lavrov cho rằng, Ukraine đang vi phạm nghiêm trọng những quyền này.

Ukraine và các đồng minh phương Tây đến nay vẫn bác bỏ điều kiện hòa đàm của Nga. Giới chức Kiev cho biết, Ukraine đang tích cực chuẩn bị cho khả năng tổ chức hội nghị hòa bình lần 2, sau sự kiện đầu tiên hồi giữa tháng này.

Sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần 1 diễn ra tại Thụy Sĩ, gần 80 quốc gia đã ký vào tuyên bố chung kêu gọi các bên đàm phán để chấm dứt xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Văn bản tái khẳng định cam kết của các bên ký kết về việc "kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia". Tuyên bố chung cũng kêu gọi trao đổi toàn diện tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em bị trục xuất.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã có thêm 8 quốc gia nữa ký vào tuyên bố chung này sau hội nghị.

Ông cho rằng áp lực lên Nga tiếp tục gia tăng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh hòa bình nhằm đưa cuộc chiến ở Ukraine đi đến hồi kết chính đáng.

"Chúng tôi đang chuẩn bị các nhóm làm việc. Ngay từ tháng 7, chúng tôi sẽ có những chi tiết cụ thể mới nhằm đạt được hòa bình", nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần 1 không có sự tham gia của Nga. Tuy nhiên, Kiev để ngỏ ý định mời Nga tham dự các hội nghị tiếp theo để tạo điều kiện cho việc khởi động hòa đàm.

Trung Quốc cũng từ chối tham dự hội nghị lần 1 với lý do sự kiện không đáp ứng được yêu cầu của Bắc Kinh là phải có sự tham dự công bằng của cả Nga và Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/6 nhấn mạnh, Bắc Kinh tiếp tục tìm cách thúc đẩy hòa bình thông qua ngoại giao đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm leo thang căng thẳng hay bôi nhọ Bắc Kinh.

Ông nêu rõ, mục tiêu của Bắc Kinh là tránh việc mở rộng và gia tăng xung đột", nhằm giảm bớt căng thẳng và "tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình".

"Hiện tại, cần phải nỗ lực ngăn chặn xung đột leo thang và tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán hòa bình. Điều này phù hợp với lợi ích của cộng đồng quốc tế, bao gồm châu Âu... Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine theo cách riêng", ông nhấn mạnh.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine