1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hồ sơ Panama: Những cái tên châu Á nổi cộm

Chiếm đến 7 trong số 12 đương kim hoặc cựu lãnh đạo quốc gia có tên trong danh sách khách hàng của công ty luật Mossack Fonseca trong vụ Hồ sơ Panama. Từ Vua Arập Xêút đương nhiệm cho đến các cựu Thủ tướng và cựu vương các quốc gia Arập trong khu vực Trung Đông và Nam Á...

... Bên cạnh họ còn có những người có liên quan do con cái, anh em họ hàng mở công ty bình phong hải ngoại thông qua Mossack Fonseca.

Tài sản mật của những ông hoàng Arập

Trong số những chính khách, hoàng tộc châu Á có tên trong Hồ sơ Panama, Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud của Vương quốc Arập Xêút được nhắc đến đầu tiên. Vua Salman lên ngôi vào tháng 1-2015 sau khi người anh ruột là Vua Abdullah bin Abdulaziz qua đời. Hồ sơ Panama ghi rõ, Vua Salman đã sử dụng các công ty bình phong hải ngoại ở British Virgin Islands (thuộc Anh) để mang đi cầm cố lấy tiền đầu tư mua các căn nhà sang trọng đắt tiền ở trung tâm London.

Tổng cộng số tiền cầm cố lên đến hơn 34 triệu USD. Theo nhận định của Tổ hợp Báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) và các tờ báo khai thác Hồ sơ Panama, vai trò của Vua Salman không thể hiện rõ ràng trong hồ sơ, nhưng các khoản cầm cố thì được thể hiện có "liên quan đến nhà vua và các tài sản của ông".

Hồ sơ Panama tiết lộ: Vua Salman có vai trò không xác định trong Công ty Safason Corporation SPF SA, là công ty nắm cổ phần trong Công ty Verse Development Corporation, thành lập ở British Virgin Islands vào năm 1999, và công ty Inrow Corporation thành lập năm 2002. Công ty Inrow được mang đi cầm cố vào năm 2009 với số tiền 26 triệu USD và Công ty Verse được cầm cố tiếp với số tiền hơn 8 triệu USD nữa.

Tất cả số tiền được dùng mua các căn nhà ở trung tâm London như đã nêu. Ngoài ra, Vua Salman cũng được thể hiện là người sử dụng chiếc du thuyền mang tên Erga (đặt theo tên Cung điện Hoàng gia ở Riyadh) đăng ký tại London do công ty Crassus Limited (thành lập năm 2004 tại British Virgin Islands) đứng tên đăng ký.

Ông hoàng Arập thứ hai có tên trong Hồ sơ Panama là cựu Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani. Ông trị vì vương quốc Qatar hiện đại từ năm 1995 đến năm 2013 thì trao quyền lại cho con trai là Quốc vương đương nhiệm Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani.

Hồ sơ Panama nêu: "Vào tháng 3-2014, chưa đầy một năm sau khi truyền ngôi cho con trai, một luật sư ở Luxembourg liên hệ với Công ty Mossack Fonseca để truyền đạt ý của cựu Quốc vương Al Thani muốn mua một công ty đăng ký tại British Virgin Islands. Sau đó, cựu Quốc vương đã mua được Công ty Afrodille SA. Công ty này sẽ nắm giữ một tài khoản ngân hàng ở Luxembourg và các cổ phần ở hai công ty khác ở Nam Phi. Từ tháng 9-2013, ông Al Thani cũng là cổ đông lớn của các công ty Rienne SA và Yalis SA có tài khoản tiền gửi có kỳ hạn trong ngân hàng Bank of China ở Luxembourg. Bên cạnh cựu vương Al Thani nắm cổ phần lớn, còn có 25% cổ phần trong mỗi công ty do một thành viên khác trong gia đình ông, Sheikh Hamad Jassim Al Thani, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, nắm giữ".

Người thứ ba là Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Tiểu vương xứ Dabu Dhabi Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan. Khalifa bin Zayed thừa kế chức Tổng thống UAE và nối ngôi Tiểu vương Abu Dhabi sau khi cha mình qua đời vào năm 2004.

Hồ sơ Panama cho biết, Sheikh Khalifa bin Zayed là người chủ thụ hưởng của ít nhất 30 công ty thành lập ở British Virgin Islands thông qua dịch vụ hải ngoại của Công ty luật Mossack Fonseca. Thông qua các công ty này, Sheikh Khalifa bin Zayed nắm giữ các bất động sản bao gồm nhà ở và khu thương mại tọa lạc tại các khu vực đắc địa của London như khu Kensington và Mayfair.

Ông nắm quyền sở hữu phần lớn khu Berkeley Square, làm chủ các khu vực khác như Bruton Street, Bruton Place, Hill Street và Hay's Mews. Tổng trị giá các tài sản mà Sheikh Khalifa bin Zayed nắm giữ ít nhất là 1,7 tỉ USD. Tính đến tháng 12-2015, gần như tất cả cổ phần của các công ty trên đều do Công ty Mossack Fonseca nắm giữ thông qua các cơ cấu ủy thác, nhưng người thụ hưởng thật sự vẫn là Sheikh Khalifa bin Zayed, cùng với vợ, con trai và con gái của ông.

Vấn đề của Thủ tướng Pakistan

Thủ tướng Pakistan được đề cập trong Hồ sơ Panama không phải do ông trực tiếp nắm giữ tài sản do Mossack Fonseca quản lý mà là các con ông làm chủ các công ty bình phong do Mossack Fonseca cung cấp.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Hồ sơ Panama cho biết, ba người con của ông Nawaz Sharif là Maryam, Hassan và Hussain Nawaz Sharif sở hữu các công ty bình phong hải ngoại, bao gồm Nescoll Ltd, thành lập năm 1993; Nielson Enterprises Ltd, thành lập năm 1994, và Hangon Property Holdings Ltd, thành lập năm 2007. Tất cả đều đăng ký tại British Virgin Islands. Các công ty này được sử dụng để mua lại các tài sản ở nước ngoài, trong đó có các biệt thự sang trọng tại Park Lane thuộc khu Mayfair, London.

Ông Nawaz Sharif không có tên trong hồ sơ các công ty bình phong hải ngoại, đồng thời bản thân ông cũng không làm gì sai trái liên quan đến các tài sản mà các con ông mua sắm.

Tuy nhiên, việc Hồ sơ Panama tiết lộ các con ông sở hữu các công ty bình phong và các tài sản ở nước ngoài không được khai báo đang khiến cho hàng ngũ lãnh đạo thân tín trong đảng cầm quyền PML-N của ông bối rối, đồng thời gây nên làn sóng công kích từ phía các đảng phái chính trị đối lập.

Maryam, con gái ông Nawaz Sharif.
Maryam, con gái ông Nawaz Sharif.

Imran Khan, Chủ tịch đảng đối lập Tehreek-e-Insaf (PTI) đã lên tiếng yêu cầu Cục Kiểm toán Quốc gia (NCB) mở cuộc điều tra đối với gia đình Thủ tướng Nawaz Sharif và các tài sản mà họ đang nắm giữ, nguồn gốc tài chính có được để mua và sở hữu các tài sản đó.

Ông Imran Khan là một chính khách đối lập đang lên ở Pakistan. Ông này từng tổ chức các cuộc biểu tình bao vây khu nhà ở của Thủ tướng và trụ sở Chính phủ hồi tháng 8-2014 làm cho chính phủ của ông Nawaz Sharif suy yếu rõ rệt. Nhân vụ Hồ sơ Panama, ông Imran Khan tiếp tục đe dọa, đòi ông Nawaz Sharif từ chức, nếu không sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình, bao vây nhà ở như lần trước.

Chính khách đối lập Imran Khan.
Chính khách đối lập Imran Khan.

Tuy nhiên, việc chứng minh cáo buộc gia đình Thủ tướng sở hữu tài sản bất hợp pháp là rất khó, bởi người đứng tên làm chủ của các tài sản nêu trên là Hussein Nawaz Sharif lại đang cư trú tại Anh và mang quốc tịch Anh. Hussein đã khẳng định trên báo chí các tài sản trên được mua sắm bằng nguồn tài chính hợp pháp, được đăng ký hợp pháp tại Anh, và do đó không có gì để điều tra.

Tuy vậy, sức ép chính trị từ vụ Hồ sơ Panama cũng đã khiến cho Thủ tướng Nawaz Sharif căng thẳng tột độ, và ngày 13-4 vừa qua, ông đã phải bay sang London đột xuất không phải để công cán mà là để khám bệnh.

Những cái tên "nhạy cảm" khác

Trong danh sách những cựu lãnh đạo quốc gia hoặc người thân nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi có không ít cái tên khá nhạy cảm, như cựu Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi, cựu Thủ tướng Jordan Ali Abu al-Ragheb, cố Thủ tướng Pakistan Benazir Buttho, cựu Tổng thống Sudan Ahmed al-Mirghani, con trai cựu Tổng thống Ai Cập Alaa Mubarak,… Hay như Mounir Majidi, Thư ký riêng của Vua Morocco Mohammed VI, Clive Khulubuse Zuma, cháu trai của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Ông Ayad Allawi là một nhân vật đối lập với cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, từng bị đàn áp và phải sống lưu vong 30 năm. Trong thời gian sống lưu vong, ông lập ra đảng chính trị Thỏa ước Quốc gia Iraq (INA). Sau khi ông Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ vào năm 2003, Allawi trở về nước tham gia chính trị.

Ông làm Thủ tướng lâm thời của Iraq trong giai đoạn chuyển tiếp 2004-2005, làm Phó Tổng thống Iraq trong giai đoạn 2014-2015. Trong thời gian Mỹ chuẩn bị tấn công Iraq, chính Allawi và đảng INA của ông đã cung cấp thông tin tình báo cho Cơ quan Tình báo Anh MI6, để từ đó thông tin được chuyển cho tình báo Mỹ dẫn đến cuộc chiến.

Giai đoạn Allawi làm Thủ tướng lâm thời Iraq từ tháng 6-2004, đất nước Iraq tham nhũng tràn lan, cũng như tình trạng bạo lực, mất an ninh nghiêm trọng do các phái Iraq hợp tác với Mỹ và chống Mỹ xung đột lẫn nhau.

Năm 1985, Allawi được Công ty Luật Mossack Fonseca cung cấp cho một công ty có tên là IMF Holdings Inc, cùng với nhân sự đứng ra làm giám đốc thay ông. Năm 2000, ông được ghi nhận là người chủ duy nhất của công ty này. Cho đến khi giải thể vào năm 2013, Công ty IMF Holdings sở hữu một căn nhà ở khu Kingston bên dòng sông Thames ở Surrey.

Cho đến tháng 4-2013, tài sản này vẫn do Allawi đứng tên và được định giá là 1,5 triệu USD. Ngoài IMF, ông Allawi còn sở hữu Công ty Moonlight Estates Limited, đăng ký tại British Virgin Islands, và công ty này cũng thay ông nắm giữ tài sản ở London. Tài liệu ghi nhận nguồn vốn mua công ty này là từ tiền tiết kiệm.

Ali Abu al-Ragheb làm Thủ tướng Jordan giai đoạn 2000-2003. Hồ sơ Panama ghi nhận cựu Thủ tướng Al-Ragheb đứng tên sở hữu một số công ty. Cụ thể là vào tháng 7-2003, vài tháng trước khi từ chức Thủ tướng, ông Al-Ragheb và vợ là bà Yusra - Giám đốc của công ty Jaar Investment Ltd. Đăng ký tại British Virgin Islands. Công ty này có tài khoản ngân hàng tại Ngân hàng Arập (Arab Bank) ở Geneva, Thụy Sĩ. Công ty này đã ngừng hoạt động từ năm 2008.

Nhưng trước đó, vợ chồng Al-Ragheb đã chuyển sang làm giám đốc của một công ty khác tên là Jay Investment Holdings Ltd cũng đăng ký tại British Virgin Islands. Cho đến tháng 12-2014, Al-Ragheb còn sở hữu thêm 3 công ty đăng ký tại đảo quốc Seychelles. Các con của ông cũng tham gia làm giám đốc một số công ty ở British Virgin Islands như Desertstar Investment Capital Ltd., có tài khoản tại Ngân hàng Arập (Arab Bank) và được sử dụng để đầu tư vào Jordan.

Ở Nam Phi, Khulubuse Zuma, cháu gọi Tổng thống Nam Phi Jcob Zuma bằng bác, có cuộc sống như một "đại gia". Anh ta vừa mua tặng vợ sắp cưới một món quà sinh nhật đắt tiền. Khulubuse sở hữu một dàn xe ôtô đắt tiền 19 chiếc.

Hồ sơ Panama cho biết, Khulubuse là người đại diện cho Công ty Caprikat Limited, một trong hai công ty đã mua các giếng dầu ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Báo chí đã đặt vấn đề xung quanh việc mua các giếng dầu này.

Và vào mùa hè năm 2010, chính quyền đảo quốc British Gircin Islands đã ra lệnh cho Công ty Mossack Fonseca cung cấp thông tin cơ bản về Khulubuse. Cuối năm 2010, Mossack Fonseca chấm dứt hợp đồng với Khulubuse. Tuy nhiên, Khulubuse vẫn khăng khăng bảo vệ việc làm ăn của mình là hợp pháp, và sự hợp tác khai thác các giếng dầu hoàn toàn có lợi cho Cộng hòa Dân chủ Congo.

Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin) năm nay 55 tuổi, là con gái của cố Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng. Ở Trung Quốc hiện tại, bà Lý Tiểu Lâm được mệnh danh là "Nữ hoàng điện lực" bởi bà đang là Phó chủ tịch Công ty Điện lực quốc gia China Datang Gorporation, còn trước đây bà cũng từng là Tổng giám đốc của Công ty Phát triển điện lực quốc tế Trung Quốc.

Theo Hồ sơ Panama, Lý Tiểu Lâm và chồng là Lưu Trí Nguyên là những người chủ thụ hưởng của một tổ chức có tên là Fondation Silo đặt tại Lichtenstein. Tổ chức này là cổ đông duy nhất của Công ty Cofic Investments Ltd, thành lập tại British Virgin Islands từ thời ông Lý Bằng còn làm Thủ tướng Trung Quốc.

Luật sư của đôi vợ chồng Lý và Lưu cung cấp thông tin rằng nguồn tài chính của Công ty Cofic Investments là lợi nhuận từ các hợp đồng tư vấn của Công ty luật của Lưu giúp khách hàng châu Âu xuất khẩu máy móc công nghiệp nặng vào Trung Quốc.

Theo Nguyên Khang (tổng hợp)

An ninh thế giới