1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc giăng “Lưới trời” lần hai bắt quan tham sau vụ hồ sơ Panama

(Dân trí) - Trung Quốc khởi động đợt 2 của chiến dịch săn lùng các quan chức tham nhũng chạy trốn trên phạm vi quốc tế với tên gọi Skynet (Lưới trời) với sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau, nhắm mục tiêu tới các công ty ở nước ngoài, các ngân hàng ngầm và các đối tượng tham nhũng bỏ trốn.

Những đối tượng tham nhũng bỏ trốn bị áp giải tại Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Những đối tượng tham nhũng bỏ trốn bị áp giải tại Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

"Lưới trời năm 2016" là chiến dịch mở rộng của chiến dịch Lưới trời do Trung Quốc phát động vào tháng 3/2015, trong đó kết nối các cơ quan chính phủ khác nhau nhằm tiến hành một cuộc truy lùng trên phạm vi quốc tế để truy bắt những đối tượng tham nhũng bỏ trốn và truy hồi tài sản về Trung Quốc.

Theo tuyên bố từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lưới trời là chiến dịch truy lùng thẳng tay những khoản tiền bất hợp pháp được chuyển từ Trung Quốc ra nước ngoài thông qua các công ty ở nước ngoài hoặc các ngân hàng ngầm. Chiến dịch này do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Công an Trung Quốc đứng đầu phối hợp thực hiện. Ngoài ra Lưới trời còn có sự tham gia của Viện Kiếm sát nhân dân tối cao Trung Quốc trong việc săn lùng những đối tượng bị phát hiện sai phạm trong quá trình công tác nhưng đã bỏ trốn ra nước ngoài. Hoạt động của Lưới trời cũng tương tự chiến dịch Săn cáo (Foxhunt) từng được Bộ Công an Trung Quốc triển khai trước đây.

Chiến dịch Lưới trời năm 2016 được phát động trong bối cảnh thông tin được tiết lộ từ Hồ sơ Panama cho biết trong số các doanh nghiệp là khách hàng của công ty luật Mossack Fonseca, có tới một phần ba doanh nghiệp có văn phòng đặt tại Hong Kong và đại lục. Đây là thông tin được cung cấp bởi Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế ICIJ.

Zhaung Deshui, chuyên gia nghiên cứu về chống tham nhũng tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng việc truy lùng tận gốc các khoản tiền bất hợp pháp được chuyển ra nước ngoài thông qua các công ty ở nước ngoài và các ngân hàng ngầm là chìa khóa quan trọng để chặn đứng các đối tượng bỏ trốn.

“Khi các quan chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài, họ không mang theo tiền mặt trong người. Họ sẽ chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các công ty ở nước ngoài và các ngân hàng ngầm”, ông Zhaung cho biết.

“Kiểm soát chặt chẽ những kênh rửa tiền này đồng nghĩa với việc sẽ cắt đứt nguồn vốn, nguồn thu nhập và nguồn sống của những đối tượng tham nhũng bỏ trốn”, ông Zhaung nói thêm.

Cũng theo ông Zhaung, Hong Kong là mảnh đất màu mỡ cho các quan chức tham nhũng ở đại lục rửa tiền thông qua các công ty vỏ bọc.

Trong danh sách 100 đối tượng tham nhũng bỏ trốn mà Trung Quốc đã lên kế hoạch phối hợp với cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol, có 26 đối tượng đã bị bắt và đưa về Trung Quốc trong khuôn khổ của chiến dịch Lưới trời.

Bắc Kinh sắp tới sẽ công bố danh sách truy nã những đối tượng bỏ trốn mới, Cai Wei, Phó giám đốc Phòng hợp tác quốc tế của Cơ quan Hợp tác chống tham nhũng Quốc tế Trung Quốc (CCDI) đã tuyên bố hồi tháng 3.

Ông Wang Qishan, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác chống tham nhũng Quốc tế Trung Quốc, thông báo hồi tháng 1 rằng, chiến dịch Lưới trời năm 2015 đã truy lùng được 1.023 đối tượng bỏ trốn và truy hồi 3 tỷ nhân dân tệ. Đây là lần đầu tiên số đối tượng đã bỏ trốn bị bắt về nước vượt quá số đối tượng vừa mới bỏ trốn.

Ông Zhuang nói rằng chiến dịch Lưới trời đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong năm 2015 khi truy hồi được số đối tượng và số tiền lớn chưa từng có tại Trung Quốc. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì vẫn còn rất nhiều các quan chức đào tẩu ra nước ngoài từ hàng chục năm nay.

Năm 2014 Cơ quan Hợp tác chống tham nhũng Quốc tế Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố và các cơ quan bán chính thức báo cáo chi tiết tất cả các trường hợp đối tượng bỏ trốn trong vòng 20 năm qua, tuy nhiên số liệu này đến nay vẫn chưa được công bố.

“Có thể bởi vì số đối tượng bỏ trốn quá lớn nên nếu công bố sẽ là một thông tin gây sốc. Chỉ cần các lãnh đạo trung ương biết là đủ rồi”, ông Zhuang nhận định.

Tuy nhiên, Giáo sư nghiên cứu về nền quản trị sạch tại Đại học Hàng không Bắc Kinh Ren Jianming, cho rằng vẫn còn một điểm yếu trong chiến dịch hợp tác quốc tế chống tham nhũng của Trung Quốc đó là quá trình dẫn độ giữa hai nước trong trường hợp đưa những đối tượng bỏ trốn ở nước ngoài về Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo SCMP