1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nhân vật quyền lực lao đao vì Hồ sơ Panama

(Dân trí) - Sau đợt công bố đầu tiên hồi đầu tháng 4, Hồ sơ Panama đã khiến nhiều quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới từ chức hoặc đối mặt với nguy cơ từ chức. Đợt công bố lần hai với nhiều tên tuổi lớn bị nêu danh có thể sẽ khiến nhiều chiếc ghế quyền lực lung lay hơn nữa.

Những nhân vật quyền lực lao đao vì Hồ sơ Panama - 1

Một trong những nạn nhân chính trị đầu tiên của Hồ sơ Panama là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Tài liệu tiết lộ ông và vợ đã lập tài khoản ở nước ngoài thông qua một công ty bình phong. Ông từ chức vào ngày 5/4.

Cũng tại Iceland, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson tuyên bố ông sẽ không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi bị cáo buộc có liên quan đến Hồ sơ Panama. Bất chấp quyết định này, ông Grimsson kiên quyết phủ nhận việc ông và gia đình có liên quan tới công ty nước ngoài trong vụ Hồ sơ Panama. Cuộc bầu cử Tổng thống Iceland 2016 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/6.

Trong khi đó, bị nêu đích danh trong Hồ sơ Panama do có cổ phần tại một công ty bình phong ở Seychelles, nhưng Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson tuyên bố sẽ không từ chức bất chấp sức ép của dư luận.


Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: AFP)

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron đối mặt với làn sóng biểu tình đòi ông từ chức sau khi vợ chồng ông bị cáo buộc sở hữu cổ phần trong công ty bình phong ở nước ngoài của người cha quá cố. Về phần mình, ông Cameron thừa nhận từng sở hữu tài sản ở công ty này, song đã sang nhượng lại toàn bộ số cổ phần đó trước khi trở thành thủ tướng. Trước sức ép của dư luận, ông Cameron đã công bố các hồ sơ thuế cá nhân và hối thúc nhiều quan chức khác trong nội các hành động tương tự.

Tại Chile, người đứng đầu của Văn phòng Minh bạch Quốc tế đã từ chức vào ngày 4/4. Giữa tháng 4, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria cũng phải từ chức khi tên của ông và anh trai được liệt kê là nhà điều hành của công ty có trụ sở tại Bahamas, được lập ra thông qua hãng luật Mossack Fonseca.

Argentina có ba người nổi tiếng được nêu tên trong hồ sơ Panama, gồm cầu thủ bóng đá Lionel Messi, Tổng thống Mauricio Macri, và một thân tín của cựu tổng thống Nestor Kirchner. Tòa án liên bang đã yêu cầu điều tra vai trò của ông Macri trong 2 công ty Fleg Trading, có trụ sở tại Bahamas và công ty Kagemusha tại Panama, bị tình nghi là các công ty ma tham gia trốn thuế và rửa tiền.


Tổng thống Argentina Mauricio Macri. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Argentina Mauricio Macri. (Ảnh: AFP)

Nạn nhân phải từ chức do Hồ sơ Panama còn có các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hay của các tổ chức quốc tế. Ông Bert Meestadt, ủy viên hội đồng quản trị ngân hàng ABN Amro, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu tháng trước đã tuyên bố từ chức. Truyền thông địa phương cho hay, ông Bert Meerstadt có tên trong Hồ sơ Panama với tư cách cổ đông của một công ty có tên Morclan Corporation có trụ sở ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Trước đó, Michael Grahammer - Giám đốc điều hành ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo cũng đã tuyên bố từ chức sau khi ngân hàng bị đề cập trong vụ Hồ sơ Panama. Theo Hồ sơ Panama, ngân hàng này liên kết với mạng lưới công ty nước ngoài thông qua người được ủy thác ở Công quốc Liechtenstein.

Ngày 6/4, ông Juan Pedro Damiani đã từ chức thành viên Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sau khi các thông tin trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama cho thấy công ty luật của ông này hoạt động với vai trò trung gian cho một quan chức cấp cao của FIFA. Theo Hồ sơ Panama, công ty của ông Damiani đã giúp cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ Eugenio Figueredo, người đang bị cáo buộc tham nhũng ở Mỹ, thành lập một công ty bình phong. Tài liệu rò rỉ còn chỉ ra rằng công ty của ông Damiani cũng đóng vai trò trung gian cho một công ty

Sau các nhà lãnh đạo Iceland, Anh và Argentina, từ giữa tháng 4, Thủ tướng Malta và Pakistan đồng loạt bị ép từ chức do có liên quan tới Hồ sơ Panama. Ngày 10/4, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập tại một quảng trường lớn ở thủ đô của Malta yêu cầu Thủ tướng Joseph Muscat từ chức sau khi có thông tin 2 đồng minh chính trị của ông có các tài khoản “giấu tên” ở nước ngoài.

Hồ sơ Panama tiếp tục gây chấn động thế giới sau 2 lần công bố. Trước khi Hồ sơ Panama phần 2 được công bố, hơn 300 nhà kinh tế đã gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới để chấm dứt sự tồn tại của các thiên đường thuế. Các nhà kinh tế cũng kêu gọi các chính phủ thống nhất về nguyên tắc toàn cầu mới, buộc các doanh nghiệp phải báo cáo hoạt động chịu thuế ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ mà họ hoạt động, đảm bảo công khai những thông tin về chủ sở hữu thực sự của các công ty.

Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu liên quan đến chứng từ thuế của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm từ năm 1977 đến tháng 12/2015. Tài liệu tiết lộ về hoạt động rửa tiền và trốn thuế liên quan đến khoảng 140 chính trị gia, hàng chục tỷ phú và cá nhân nổi tiếng...

Một nhân vật tự xưng là “John Doe” đã liên hệ với phóng viên báo Süddeutsche Zeitung để chia sẻ những dữ liệu mật này bằng 4,8 triệu email được mã hóa. Süddeutsche Zeitung sau đó chuyển dữ liệu mật này cho ICIJ. Sau quá trình điều tra và phân loại của 400 phóng viên đến từ 107 tổ chức truyền thông của hơn 80 quốc gia, ICIJ đã công bố một phần Hồ sơ Panama vào đầu tháng 4 và được coi là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử. Đợt công bố lần hai vừa diễn ra hôm qua bao gồm thông tin về hơn 200.000 công ty ở nước ngoài do giới nhà giàu thiết lập và được cho là sẽ khiến “cơn địa chấn” Panama lan rộng hơn.

Minh Phương

Tổng hợp