1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hé lộ chiến lược không kích của Nga nhằm vào căn cứ Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dựa vào hình ảnh chụp từ vệ tinh, giới quan sát đã nhận thấy chiến lược không kích của Nga nhằm vào căn cứ quân sự của Ukraine.

Hé lộ chiến lược không kích của Nga nhằm vào căn cứ Ukraine - 1

Các cơ sở hạ tầng hỗ trợ tác chiến tại một căn cứ quân sự của Ukraine bị phá hủy, nhưng khu vực đường băng vẫn nguyên vẹn (Ảnh: Maxar).

Theo Newsweek, những hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy tác động của các vụ không kích bằng vũ khí tấn công chính xác của Nga nhắm vào căn cứ quân sự của Ukraine.

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, Nga bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa phóng từ trên không, trên bộ và trên biển nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine. Nga tuyên bố không nhằm vào các thành phố và dân thường, hướng tới việc "phi quân sự hóa Ukraine". 

Theo Newsweek, đây được gọi là chiến lược "không kích phẫu thuật", với mục đích chỉ gây thiệt hại cho một mục tiêu quân sự hợp pháp, không gây thiệt hại hoặc hạn chế tối đa thiệt hại đối với các công trình xung quanh, phương tiện, tòa nhà hoặc cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng nói chung. Nga áp dụng chiến lược này nhằm mở đường cho lực lượng khác tiến vào Ukraine, đồng thời giảm thiểu thiệt hại tới các dân thường và các mục tiêu dân sự.

Mặt khác, các hình ảnh cho thấy Nga cũng có tính toán nhất định khi hướng hỏa lực vào các căn cứ. Theo giới quan sát, khi Nga không kích vào cơ sở quân sự Ukraine, họ dường như cố tình giữ lại gần như nguyên vẹn các công trình quan trọng bên trong.

Hình ảnh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar chụp được cho thấy, vụ không kích nhằm vào căn cứ ở thành phố Chuhuiv, ở Kharkiv, miền Đông Ukraine chỉ nhằm vào các cơ sở hỗ trợ tác chiến, như nhà chứa máy bay, cơ sở hạ tầng phụ trách điều hướng, thùng nhiên liệu, nhưng tránh làm hỏng đường băng. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy, Nga dường như chủ đích giữ lại những công trình quan trọng trong căn cứ để có thể tiếp tục sử dụng chúng trong tương lai.

Diễn biến trên chiến trường đôi khi không được Nga dự tính. Ví dụ, họ đã bỏ nhiều công sức để giành quyền kiểm soát sân bay Hostomel, nơi chỉ cách Kiev khoảng 10 km. Nga dường như muốn nắm được sân bay này để tăng tốc triển khai quân và hậu cần tới sát thủ đô của Ukraine.

Tuy nhiên, Newsweek dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, đường băng sân bay ở Hostomel dường như đã bị hư hại và Nga được cho đã phải điều chỉnh lại chiến lược tiến quân vào gần Kiev.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm qua cho biết, họ đã vô hiệu hóa 211 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, gồm 17 sở chỉ huy và trung tâm liên lạc, 19 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, 39 trạm radar.

Ông cũng cho biết các lực lượng Nga đã bắn hạ "6 máy bay chiến đấu, một máy bay trực thăng, 5 máy bay không người lái" và phá hủy "67 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, 16 bệ phóng tên lửa, 87 đơn vị xe quân sự đặc biệt" của Ukraine. Hiện thời, chiến sự tại Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng. 

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm