1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, NATO cấp tập "tiếp sức" sau khi Ukraine nói "bị bỏ rơi"

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và NATO đã có những động thái để hỗ trợ an ninh cho Ukraine giữa lúc chiến sự leo thang với Nga.

Mỹ, NATO cấp tập

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP).

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 25/2 cho biết Mỹ sẽ "cung cấp hỗ trợ an ninh bổ sung" cho Ukraine, tuy nhiên, "cách thức thực hiện vẫn đang được thảo luận".

"Chúng tôi đang rất tích cực tham gia vào những nỗ lực đó để giúp họ tự vệ tốt hơn thông qua hỗ trợ vũ khí gây sát thương và không sát thương", ông Kirby nói trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên Lầu Năm Góc không nêu chi tiết các lô hàng viện trợ cho Ukraine vì lý do an ninh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/2 đã có cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề viện trợ quân sự và các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

"Việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, hỗ trợ quốc phòng và liên minh chống chiến tranh vừa được thảo luận với Tổng thống Biden. Biết ơn vì những hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ với Ukraine", Tổng thống Zelensky viết trên Twitter.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ không đưa quân tới tham chiến ở Ukraine, nhưng sẽ triển khai nhiều lực lượng hơn tới NATO. Ông Biden ngày 25/2 chỉ đạo điều thêm 7.000 quân tới Đức để giúp củng cố an ninh của NATO.

NATO ngày 25/2 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine và kêu gọi các quốc gia khác hành động tương tự. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, trong các viện trợ này có viện trợ các hệ thống phòng không.

NATO hôm qua đã lần đầu tiên kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh, cho phép lực lượng đa quốc gia của khối, gồm không quân, hải quân, bộ binh và lực lượng đặc nhiệm, có thể triển khai nhanh chóng nhằm hỗ trợ liên minh NATO. Tư lệnh Tối cao NATO Tod Wolters gọi đây là "thời khắc lịch sử".

Việc kích hoạt này không có nghĩa Mỹ và NATO sẽ cử lực lượng đến Ukraine tham chiến vì Ukraine không phải thành viên của khối, song nó cho phép liên minh điều động thêm quân đến sườn Đông.

Hiện chưa rõ lực lượng phản ứng nhanh của NATO sẽ gồm bao nhiêu thành viên và được triển khai vào thời điểm nào. Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh, liên minh này vẫn cần hành động hơn nữa để gây sức ép buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết một đoàn xe vận chuyển đạn dược đã tới Ukraine. Đây là chuyến hàng viện trợ quân sự công khai đầu tiên cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại đây.

"Một đoàn xe chở đạn dược chúng tôi tài trợ cho Ukraine đã đến nước láng giềng của chúng tôi. Chúng tôi đứng về phía người Ukraine và thể hiện tinh thần đoàn kết chống lại chiến dịch quân sự của Nga", Bộ trưởng Ba Lan viết trên Twitter.

Trước đó, trong bài phát biểu vào sáng 25/2, Tổng thống Ukraine cho biết ông đã liên hệ với các "đối tác" ở phương Tây để nói với họ rằng, số phận của Ukraine đang bị đe dọa. Ông kêu gọi các đồng minh phương Tây hỗ trợ ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga bởi Ukraine đang cảm thấy phải chiến đấu một mình. Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine đang bị "bỏ rơi" và phải tự mình chiến đấu trước sức ép quân sự từ Nga.