Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền dân tộc trên đất Mỹ
Bà con Việt kiều tại quận Cam vẫn lưu giữ được những nét đẹp riêng của văn hóa dân tộc, nhất là mỗi độ Tết đến Xuân về.
Một việt kiều mua sắm đồ Tết
Một góc bán ô mai ở chợ Rosemead
Củ kiệu Nam Bộ ở chợ Rosemead
“Bên này, có cộng đồng người Việt và người Hoa ăn Tết ta, và các con chúng tôi chỉ theo Tết dương thôi. Nhưng chúng tôi dạy con cháu theo phong tục của người Việt Nam thành thử các cháu vẫn giữ. Nếu vào ngày Tết mà phải đi làm thì các cháu mới không về, còn không thì tập trung đông đủ và tôi cũng đổi tiền lẻ để lì xì. Ở Việt Nam thế nào thì qua bên này chúng tôi cũng làm như vậy”, bà Ánh cho biết.
Gói bánh chưng La Vang
Theo chủ cơ sở, việc tổ chức gói bánh để con cháu thấy rằng chúng ta không mất đi gốc tích của người dân Việt Nam và đáp ứng nhu cầu bà con người Việt trong vùng. Mỗi ngày, cơ sở có từ 15 đến 20 lao động làm việc liên tục từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối và được chia thành hai ca.
Thành phẩm bánh chưng La Vang
Trong công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, để khắc phục tình trạng ruột bánh bị vàng do gói bằng lá chuối thay cho lá dong, gạo nếp sau khi vo được trộn với bột lá dứa nhằm tạo màu xanh. Mỗi chiếc bánh được gói từ 2 bát to gạo nếp, 2 bát nhỏ đậu xanh đã nấu nhuyễn, và một bát thịt ba chỉ. Gạo, thịt và đậu xanh được cân chi tiết nên tất cả các bánh đều giống nhau. Mỗi cái bánh sau khi gói xong nặng 4 pound (hơn 1,8kg).
Bánh tét La Vang
Sau khi đã gói vuông vức bằng lá chuối, mỗi chiếc bánh chưng lại được bọc một lớp giấy bạc bên ngoài. Mục đích của việc bọc giấy bạc, một mặt là để chống ruột bánh bị bục, mặt khác là bánh cũng hấp thụ nhiệt tốt hơn trong khi luộc.
Sau khi hoàn tất công đoạn gói, bánh được cho vào nồi luộc liên tục trên bếp gas trong vòng 13 tiếng. Do vậy, dù nặng tới hơn 1,8kg nhưng bánh chưng, bánh tét La Vang vẫn rất nhuyễn, không có hiện tượng sống sượng.
Công đoạn hoàn thiện sản phẩm cũng không kém phần quan trọng. Bánh chưng sau khi vớt ra được ép phẳng trong phòng lạnh một thời gian. Tiếp đó, lớp giấy bạc được bóc bỏ, lau sạch lớp lá chuối, gắn nhãn hiệu bánh chưng La Vang, thắt nơ đỏ và giao cho khách hàng.
Đây là năm thứ hai chị Châu Loan, một Việt kiều hiện sống tại quận Cam chọn mua bánh chưng La Vang, và cho biết: “Hôm nay tôi mua 16 cái. Trước là để gia đình sử dụng và sau đó là tặng bạn bè, bà con. Bánh chưng ở đây ngon, gói rất chặt, chín rất đều, với lại giá cũng hợp lý”.
Bánh chưng, bánh tét La Vang đã khẳng định được uy tín trong lòng bà con người Việt tại quận Cam nên số người đặt hàng ngày một tăng. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực và cơ sở vật chất có hạn nên năm nay ngay từ ngày 23 tháng Chạp, cơ sở đã không nhận đơn hàng của khách.Ngoài bánh chưng, bánh tét nổi tiếng, cơ sở La Vang còn làm cả dưa món - một món ăn không thể thiếu của người Nam bộ vào dịp Tết.
Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ Xuân Ất Mùi đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân Trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết Việt của đồng bào ta ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thegioi@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ Tết Việt xa xứ. Chân thành cảm ơn! |