Xuân về với những người con xa xứ
Tết đến xuân về, dù ở phương trời nào, trong lòng mỗi người Việt cũng đều hướng về quê cha đất tổ. Với những người Việt đang sinh sống ở phương trời Nga cũng vậy. Cuộc sống xa quê khiến cho Tết của người Việt ở Nga nói riêng và ở nước ngoài nói chung không giống với cái Tết nơi quê nhà. Ở phương trời xa, Tết đến làm nao lòng người.
Quan hệ Việt Nam và LB Nga có bề dầy lịch sử gần 65 năm, kế thừa mối quan hệ với nhà nước Liên Xô. Năm 2001, hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và 11 năm sau trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Vun đắp mối quan hệ đầy nghĩa tình sâu nặng này với nước bạn Nga, có một phần công sức không nhỏ của gần 100.000 người con đất Việt đang sinh sống ở Nga. Trong số ấy, không ít người đến Nga theo diện hợp tác lao động giữa Việt Nam và Liên Xô từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Nhiều người trong số ấy từng nửa đời người đã sống trên đất Nga, mỗi khi mùa Xuân đến, họ không khỏi nao lòng nhớ về cái Tết quê nhà.
Không giống như cộng đồng người Việt tại các nước như Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác, đại đa phần người Việt ở Liên bang Nga đều mang quốc tịch Việt Nam, họ duy trì mối dây bền chặt với Đất mẹ, có nhiều đóng góp trước hết trong lĩnh vực kinh tế và xã hội ở cả Nga và Việt Nam. Họ sống rải rác tại các thành phố lớn của Nga, trong đó hơn 50% tập trung tại Moskva và tỉnh Moskva.
Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ của cộng đồng người Việt trên đất bạn gặp khá nhiều khó khăn, liên quan tới tình hình khách quan cũng như những quy định mới của nước bạn, nhằm thắt chặt hơn nữa điều kiện kinh doanh, sinh sống của người nhập cư nói chung, trong đó có người Việt ta nói riêng.
Theo những nghị định mới nhất của Chính Phủ Nga về thay đổi các quy định và hình thức hoạt động kinh doanh, các loại hình “chợ buôn bán” dần không còn được công nhận, các khu chợ nhỏ bán lẻ đã bị dẹp hoàn toàn. Các khu chợ lớn ở Moskva, như TTTM Moskva (chợ Liublino), chợ Sadovod (chợ Chim), Chợ km 41... đã có những sự thay đổi lớn về hình thức tồn tại và hoạt động. Điều này ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng người Việt trên toàn lãnh thổ Nga và Moskva.
Cộng với tình hình nước láng giềng Ukraine rơi vào khủng hoảng, khiến hoạt động buôn bán của bà con ta ở Nga, vốn chuyên đổ hàng sỉ cho các nước láng giềng, trong đó có Ukraine, gặp không ít khó khăn. Một phần không nhỏ doanh nhân ta phải rời bỏ thị trường Nga, hoặc chuyển sang sản xuất nhỏ, nhập hàng hóa vào các siêu thị chính thống của Nga. Nhưng số đông cộng đồng ta vẫn kiên nhẫn duy trì các hoạt động kinh doanh nhỏ tại các khu chợ còn hoạt động, có chuyển đổi linh hoạt, theo yêu cầu mới của Chính quyền Nga.
Ngoài công việc làm ăn buôn bán gặp khó khăn, còn một khó khăn đã tồn tại dai dẳng là hợp pháp hóa cư trú, vấn đề visa và hộ khẩu tạm trú cho người Việt đang làm ăn sinh sống tại Nga. Nhiều quy định mới của chính quyền sở tại nhằm thắt chặt quản lý cư trú, nhập cư, cũng như tuyển dụng lao động nước ngoài vào Nga với các chiến dịch kiểm soát người nhập cư trong năm qua đã ít nhiều khiến người nhập cư làm ăn ở Nga không khỏi lo lắng. Tâm lý không yên tâm công việc cũng đè nặng lên cộng đồng người Việt.
Nhưng nay trong bộn bề những khó khăn, trước thềm Năm mới Ất Mùi 2015, những động thái mới, những tin vui làm ấm lòng người đã mở ra nhiều tia hy vọng cho cộng đồng bà con. Đó là việc Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đang đẩy mạnh xúc tiến giải quyết những khó khăn vướng mắc, sao cho bà con ta làm ăn sinh sống tại nước bạn sớm được hợp thức hóa, có giấy tờ hợp lệ.
Cuộc gặp cuối tháng 12 vừa qua giữa Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn với Trợ lý Đối ngoại Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov tại Moskva, là một trong rất nhiều hoạt động thể hiện việc Đại sứ quán ta luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của nước bạn, nhằm triển khai tích cực các thỏa thuận cấp cao đạt được, cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại, trong đó có hợp pháp hóa thân phận người Việt làm ăn ở Nga.
Tết với những thời khắc linh thiêng, là thời điểm để những người con xa xứ hoài niệm, nhìn lại một năm cũ. Nhìn lại những tháng ngày họ đến, ở lại và dần dà biến nước Nga trở thành quê hương thứ hai của mình. |
Bên cạnh đó, những hội đoàn, hội đồng hương hoạt động ổn định trong hai năm gần đây, đang ngày một lớn mạnh và trở thành những điểm tựa hỗ trợ cộng đồng ta vượt qua những bước đường khó khăn, ấm lòng hơn với tinh thần tương thân tương ái, với truyền thống "lá lành đùm lá rách" của người nước Việt. Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, - vốn là hội đoàn lớn mạnh nhất gắn kết cộng đồng, cũng là một “điểm tựa” không thể không nhắc đến.
Ngoài những hoạt động cộng đồng tại nước sở tại, công tác hướng về quê hương nguồn cội cũng được Sứ quán chỉ đạo và cùng sát sao thực hiện. Việc các hội đoàn của người Việt ở Nga thường xuyên cử đại diện tham gia các hoạt động trong nước, đã góp phần dệt nên mối dây bền chặt giữa những người con xa xứ với quê nhà, để hình ảnh quê hương, hai tiếng Việt Nam luôn tha thiết trong lòng người xa Tổ quốc.
Và cũng từ những hoạt động ấy, càng hun đúc tình yêu quê hương đất nước, biến tình yêu ấy thành những hành động thiết thực góp phần xây dựng quê hương. Những công trình kinh tế xã hội, những đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt thành đạt trên đất Nga đã không còn xa lạ với người Việt nơi quê nhà. Khởi điểm của những thành công ấy, phải nhắc đến tinh thần đoàn kết, sự đùm bọc, quan tâm lẫn nhau, cùng quy tụ và khởi nguồn từ Ngôi nhà ấm cúng số 13 trên phố Bolshaya Pirogovskaya, đó chính là Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga.
Một năm cũ đã qua, Xuân mới đang đến, trong thời khắc chuyển giao đầy cảm xúc này, các cán bộ của Sứ quán cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga mong muốn tình hình kinh tế nước Nga sớm ổn định, phương Tây sớm rút lệnh trừng phạt để người dân Nga cũng như cộng đồng bà con ta yên tâm ổn định đời sống, công việc.
Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ Xuân Ất Mùi đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân Trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết Việt của đồng bào ta ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thegioi@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ Tết Việt xa xứ. Chân thành cảm ơn! |