Đồng ruble mất giá - Tết của người Việt tại Nga kém vui
Đồng tiền bản địa mất giá 100%, nền kinh tế không tăng trưởng thậm chí còn suy thoái, lương người lao động không tăng khiến cầu giảm sút...
Chợ Ostuzheva 47 ở thành phố Voronezh
Quá nhiều yếu tố bất lợi dẫn tới một cái Tết kém vui trong cộng đồng khoảng 100.000 người Việt đang làm ăn sinh sống ở Liên bang Nga.
Đã từ lâu, đại bộ phận cuộc sống người Việt ở Nga gắn với các khu chợ. Từ những khu chợ ngoài trời bán hàng dưới cái rét căm căm trong tiết Đông lạnh giá, cho tới các khu chợ trong nhà khang trang hiện đại, ở đâu người Việt cũng kiên trì bám chợ, từ sáng sớm tới tối mịt, cần cù, chắt chiu mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và con cái.
Tuy nhiên cơn bão "hoàn hảo" của khủng hoảng kinh tế, giá dầu lao dốc, cùng với các biện pháp trừng phạt chống Nga của phương Tây đã khiến cho hầu hết những người Việt ở chợ từ cuối năm 2014 phải hứng chịu tổn thất không nhỏ.
Đáng lo ngại hơn, đồng ruble mất giá, lương không tăng và người Nga cắt giảm chi tiêu, khiến chợ đìu hiu hơn nhiều và các gia đình người Việt phải đối mặt với tình trạng thu nhập ngày càng eo hẹp.
Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ Xuân Ất Mùi đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân Trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết Việt của đồng bào ta ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thegioi@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ Tết Việt xa xứ. Chân thành cảm ơn! |
Anh Nguyễn Minh Tuệ, quê Phú Thọ sang Nga đã 11 năm, chuyên kinh doanh mặt hàng giày cho biết "chợ búa cứ 2-3 hôm chẳng mở hàng, tình hình bán hàng ngày càng khó khăn, đồng USD lên như vậy khó khăn là điều chắc chắn.
Hiện tại, gọi điện lên Moskva nhập hàng, hàng đều tăng theo giá đồng USD, trước giá một đội giày ballet 330 ruble thì nay là 660 ruble, tức là bằng giá bọn em bán lẻ ở đây."
Anh Tuệ chia sẻ, "nếu người dân vẫn còn nhu cầu mua hàng, bọn em vẫn đủ sống, tuy nhiên khó khăn trước mắt rất nhiều."
Chị Phạm Thị Hải, quê Nam Định, sang Nga được 1 năm cho biết "hiện chúng em đang phải tìm cách khắc phục khó khăn và chi phí cho cuộc sống sẽ phải tiết kiệm đi một chút."
Với chị Huỳnh Thị Kim Chung, người Hải Phòng, sang Nga đã 15 năm, ngoài mặt hàng vải kinh doanh truyền thống, trước quầy hàng của chị năm nay còn bày bán bưởi cho bà con ăn Tết, hòng có thêm chút thu nhập trong bối cảnh kinh doanh khó khăn.
Chị Chung cho biết: "Buôn bán ở nước Nga, so với năm trước, năm nay có phần rất khó khăn. Tôi nghĩ đây là khó khăn chung của mọi người trên đất nước Nga cũng như cộng đồng người Việt. Ước nguyện của tôi cũng như mọi người trong cộng đồng là năm mới sẽ phát triển hơn."
Anh Nguyễn Đình Thuật, quê Phú Thọ, cho biết "trong thời gian từ trước đến nay, cộng đồng ta rất ổn định, tuy nhiên chỉ có trong năm vừa qua, do tình hình chung của nước Nga, cộng đồng Việt cũng chịu ảnh hưởng, như thành phố Voronezh đây cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết và chỉ đạo chung của Ban lãnh đạo ở đây, bà con người Việt cũng nỗ lực để đứng vững trong tình hình hiện nay."
Ông Phạm Ngọc Trung, Chủ tịch Hội người Việt thành phố Voronezh và là người có vai trò lớn nhất tạo dựng chợ Ostuzheva cho biết: "Để vượt qua những khó khăn trong thời gian khủng hoảng này, toàn bộ Ban quản lý chợ sẽ cố gắng giúp đỡ bà con về mặt tinh thần, ổn định về an ninh trật tự và động viên bà con vượt qua thời điểm khó khăn này.
Về kinh tế, Ban quản lý chợ cũng sẽ giúp bà con về ngoại giao, làm việc với các cơ quan chính quyền, chủ đất để giảm những chi phí và thuế cho bà con được ít nào tốt ít đấy."