1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU cân nhắc khả năng cấm vận dầu mỏ Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu EU sẽ cân nhắc lệnh cấm dầu mỏ của Nga, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây áp lực lên Điện Kremlin.

EU cân nhắc khả năng cấm vận dầu mỏ Nga - 1

Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU có thể ra "cú sốc" tăng giá trên toàn thế giới (Ảnh minh họa: Reuters).

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao ẩn danh của EU cho biết, khối này đang xem xét gói trừng phạt thứ 5 áp lên Nga. Theo nguồn tin, các chính phủ thành viên EU sẽ cân nhắc xem có áp lệnh cấm vận lên dầu Nga hay không.

Trước đó, EU và Mỹ đã áp các biện pháp gây áp lực chưa từng có tiền lệ lên Nga để Moscow dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, các biện pháp này dường như chưa làm lung lay được quyết tâm của Điện Kremlin.

Động thái của EU diễn ra trong bối cảnh họ sắp tổ chức các phiên họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden để bàn về các biện pháp kế tiếp.

Bộ trưởng các nước EU sẽ thảo luận về các biện pháp đối phó Nga trước khi ông Biden dự kiến tới Bỉ vào ngày 24/5 để tham dự thượng đỉnh NATO, cũng như thượng đỉnh EU và thượng đỉnh G7.

Trong 3 tuần qua, 4 vòng trừng phạt của EU đã nhằm vào 685 cá nhân Nga và Belarus, cũng như hệ thống thương mại và tài chính của Nga. Tuy nhiên, EU vẫn đang đối mặt với những cân nhắc khó khăn liên quan tới việc liệu họ có nên trừng phạt dầu mỏ Nga hay không, do sự phụ thuộc hàng chục năm qua của châu Âu vào lĩnh vực nhiên liệu của Moscow.

Các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng, các nước Baltic bao gồm Lithuania đang kêu gọi áp lệnh cấm vận dầu mỏ lên Nga, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá vội vàng vì giá năng lượng ở châu Âu đang ở mức rất cao.

Trước đó, Nga đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga có thể khiến nước này phải đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt lớn tới châu Âu. EU phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% lượng khí đốt của khối, trong đó Đức là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt và dầu thô của Nga.

Mọi động thái của EU đều cần có sự đồng thuận của cả khối. Pháp, nước đang là chủ tịch luân phiên của EU, có thể đóng vai trò quan trọng trong quyết định có trừng phạt Nga hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Ukraine, sẽ không có "vùng cấm" cho các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Nga phải tính toán lại nước đi của họ.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm