Đức tính viện trợ xe tăng cho Ukraine
(Dân trí) - Đức được cho đang phê duyệt việc chuyển các xe tăng phòng không Gepard cho Ukraine, động thái đánh dấu lần đầu tiên nước này gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Bloomberg dẫn nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Đức đưa tin, nước này sẽ chuyển 50 xe tăng phòng không Gepard của nhà thầu Krauss-Maffei Wegmann cho Ukraine. Hiện thời, quá trình viện trợ đang được phê duyệt, nguồn tin cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht xác nhận kế hoạch trên nhưng không nêu cụ thể số lượng vũ khí. Bà cũng cho biết Đức sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ quân sự cho Ukraine lên 2,1 tỷ USD.
"Chúng ta phải thừa nhận rằng năng lực của lực lượng vũ trang Đức là có giới hạn. Vì vậy, chúng tôi sẽ ủng hộ cho Ukraine khi các nhà thầu quốc phòng giao thẳng (vũ khí) cho Kiev. Cơ chế là Ukraine đặt hàng (cho nhà thầu) và Đức trả tiền", bà Lambrecht nói hôm 26/4.
Bộ trưởng Đức nói rằng, Berlin đã ký hợp đồng tương tự với các lô vũ khí gồm máy bay không người lái và mìn chống tăng.
Trước đó, chính phủ Thủ tướng Scholz đã phải chịu áp lực chỉ trích từ các phía do Berlin tỏ ra ngần ngại trong việc viện trợ Ukraine. Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine 2 tháng trước, Đức đã thay đổi chính sách kéo dài hàng chục năm về việc gửi khí tài quân sự tới khu vực xung đột, tuy nhiên giai đoạn đầu Berlin chỉ gửi vũ khí hạng nhẹ. Nếu các lô xe tăng được bàn giao, nó sẽ đánh dấu việc Đức lần đầu viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong chiến sự với Nga.
Trước đó, Đức cảnh báo rằng việc gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine sẽ khiến gia tăng căng thẳng. Berlin cũng nói rằng, họ lo ngại việc gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine sẽ ảnh hưởng tới khả năng phòng vệ của quân đội nước này trước mối đe dọa.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 25/2 thông báo đã chuyển cho Ukraine một số xe tăng, nhưng không nêu rõ số lượng và chủng loại. Ba Lan trở thành nước NATO thứ 3 cấp xe tăng cho Ukraine sau Cộng hòa Séc và Slovakia. Ba Lan hiện có hơn 400 xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất, một số trong số đó đã được hiện đại hóa trong những năm gần đây.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/4 đã lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp dưới thời Tổng thống Joe Biden để có thể phê duyệt nhanh chóng thương vụ tiềm năng nhằm bán cho Ukraine số đạn dược trị giá 165 triệu USD để hỗ trợ Kiev đối phó với chiến dịch đặc biệt Nga đang tiến hành ở nước láng giềng.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ đẩy nhanh tiến độ thương vụ và bỏ qua bước chờ đợi quốc hội Mỹ xem xét trong 30 ngày như các vụ mua bán thông thường.
"Nhu cầu về đạn dược của Ukraine gia tăng mỗi ngày", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhấn mạnh rằng kho đạn dược ngày càng cạn kiệt của Kiev là lý do họ quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp với thương vụ vũ khí tiềm năng này.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ năm 2019, thời điểm chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thông báo tới Quốc hội nước này rằng, họ sẽ thông qua hàng loạt thương vụ bán vũ khí cho các nước Trung Đông như Ả Rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Jordan, nhằm mục tiêu răn đe đối thủ Iran.