Chiến sự Nga - Ukraine
  1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Ấn Độ - Pakistan
  3. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  4. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine

Đột kích chớp nhoáng: Ukraine "đốt" thiết giáp để giành lãnh thổ từ Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine đang triển khai chiến thuật tấn công nhanh bằng các nhóm cơ động nhỏ, chấp nhận mất thiết giáp để giành lợi thế trên chiến trường từ Nga.

Đột kích chớp nhoáng: Ukraine đốt thiết giáp để giành lãnh thổ từ Nga - 1

Thiết giáp Ukraine (Ảnh: Euromaidan Press).

Trong thời gian qua, lực lượng Ukraine bất ngờ đột kích vào tỉnh Belgorod của Nga ngay cả khi đang mất lãnh thổ tại Kursk. Nước đi táo bạo này đặt các chỉ huy Nga vào tình thế khó khăn: Họ phải quyết định tiếp tục tiến về tỉnh Sumy của Ukraine hay bảo vệ khu vực biên giới khỏi các cuộc tấn công của Ukraine.

Chuyên gia phân tích quân sự Yan Matveev tiết lộ thực tế chiến thuật mới khắc nghiệt của Ukraine: Suốt 6 tháng qua, họ cố tình bỏ lại xe bọc thép để xuyên thủng phòng tuyến Nga.

"Họ biết rằng nhiều xe bọc thép, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh sẽ bị bỏ lại trên chiến trường", ông Matveev giải thích. Nhưng theo ông, đây không phải là thất bại chiến thuật mà là một phép tính chiến lược lạnh lùng.

Các chỉ huy Ukraine chấp nhận cái giá phải trả để tiến lên phía trước, đánh đổi thiết bị đắt đỏ do phương Tây cung cấp để giành đất trong một cuộc chiến tiêu hao, nơi các chiến thuật truyền thống không hiệu quả.

Chiến thuật mới của Ukraine: Tốc độ thay vì quy mô

Một cuộc tấn công điển hình theo công thức cổ điển yêu cầu tỷ lệ 3 chọi 1 - 3 lính và thiết bị cho mỗi đơn vị phòng thủ, đồng thời chấp nhận thương vong gấp 3 lần.

Cách tiếp cận này có mục tiêu làm tiêu hao nguồn lực đối thủ trước khi bên tấn công giành được thành quả.

Nhưng các tướng lĩnh Ukraine suy nghĩ khác, họ đề xuất chiến thuật tấn công bằng các nhóm cơ động nhanh, lấy tốc độ làm lợi thế chính.

Điều này được thể hiện rõ trong các cuộc tấn công ở Kursk vào ngày 5/1 gần Berdin và ngày 6/2 hướng tới Fanaseevka và Cherkasskaya Konopelka.

"Họ chấp nhận mất thiết bị thay vì binh sĩ khi hy sinh một số xe chiến đấu để đổi lấy tiến bộ cụ thể: tiến thêm 3-7km và chiếm một ngôi làng hoặc một cứ điểm", ông Matveev kết luận.

Mỗi cuộc tấn công của Ukraine có khoảng một tiểu đoàn bộ binh với 15-25 phương tiện. Nòng cốt là xe chiến đấu bộ binh Bradley, xuất hiện trong hầu hết các trận đánh.

Đội hình còn có 1-3 xe công binh để dọn chướng ngại vật, cùng các phương tiện kháng mìn như Maxxpro của Mỹ hoặc xe bọc thép chở quân như Striker và BTR-4E của Ukraine.

Xe tăng đóng vai trò phụ, đôi khi không xuất hiện vì chúng chậm, nặng và không thể chở quân. Nhiệm vụ chính của đội hình này là đưa bộ binh vào khu vực tấn công và yểm trợ hỏa lực khi có thể.

Các xe công binh phá rào cản và rà phá mìn, thường bị tổn thất 1-2 chiếc mỗi lần đột kích. Sau đó, Bradley tiến lên, bảo vệ bộ binh khỏi mìn. Nếu trúng mìn, binh sĩ chỉ cần rời khỏi xe. Những chiếc Bradley bị bỏ lại, cửa sau mở rộng, dọc theo biên giới Belgorod là bằng chứng cho thấy quân Ukraine đã tiến xa hơn.

Sau khi xuyên thủng phòng tuyến, đội hình sẽ lao nhanh vào địa hình trống trải, tìm một con đường tốt để tăng tốc đến mục tiêu. Đây là lúc Nga sử dụng UAV để tấn công.

Nhiệm vụ quan trọng nhất là không dừng lại nên Ukraine chấp nhận bỏ lại xe hỏng và tiếp tục tiến lên. Nếu đã phá được phòng tuyến, họ đã đi được một nửa chặng đường. Mục tiêu chỉ còn cách 2-3km, đủ để bộ binh tiến qua cánh đồng. Khi tới nơi, họ đổ bộ quân và rút các phương tiện còn hoạt động về để chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo.

Chiến thuật này phụ thuộc vào ba yếu tố: Thiết bị chất lượng cao với tốc độ nhanh, bọc giáp tốt, đáng tin cậy; bộ binh tinh nhuệ, đặc nhiệm hoặc lính tấn công giàu kinh nghiệm; hỗ trợ công binh vững chắc (Ukraine thậm chí còn mang cả cầu phao trong cuộc tấn công ở Kursk).

Các đợt tấn công này nhằm vào những điểm yếu như biên giới phòng thủ lỏng lẻo hoặc khu vực Nga mới giành quyền kiểm soát, nơi pháo binh chưa được triển khai đầy đủ và chuỗi cung ứng còn yếu.

Trước khi tấn công, Ukraine dùng UAV phá hủy tuyến tiếp tế, khiến phòng tuyến đối phương dễ tổn thương. Quy mô tấn công nhỏ giúp giữ bí mật đến phút chót.

Mùa hè 2023, Ukraine cũng thử tấn công cơ giới nhưng thất bại vì sử dụng quá nhiều xe tăng chậm chạp, chọn sai đường tiến và mất đi yếu tố bất ngờ.

Đây được xem là lý do khiến Ukraine chuyển sang triết lý tấn công đảm bảo yếu tố tốc độ và bất ngờ.

Tính hiệu quả của chiến thuật

Ukraine đã thử nghiệm chiến thuật này khi đột phá biên giới Kursk vào năm ngoái, nhưng với quy mô lớn hơn: Nhiều nhóm nhỏ cùng tấn công, sau đó lực lượng chính tiến vào khi phòng tuyến bị xuyên thủng.

Khi Nga bắt đầu cạn kiệt nguồn lực, Ukraine quay lại sử dụng các nhóm cơ động nhỏ. Cuộc tấn công vào Berdin và Fanaseevka diễn ra trong một buổi sáng, với khoảng cách tiến công 6-7km. Ukraine không giữ được Berdin nhưng giành được Fanaseevka và Cherkasskaya Konopelka.

Tại Donetsk, họ dùng xe bọc thép tốc độ cao để tiến đến Kotlyno và Pischane. Cách tiếp cận này cũng được áp dụng tại Uspenivka, Shevchenko và Lysivka.

Tại Belgorod, Ukraine bỏ lại xe hạng nặng tại phòng tuyến. Bất chấp tổn thất do mìn và UAV, bộ binh đã đột nhập qua biên giới, giành được Demidovka và Popovka.

Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận, chiến thuật này không thể giúp Ukraine thắng trong cuộc chiến.

"Những chiến dịch này chỉ phù hợp với các mục tiêu nhỏ nhằm giành một làng cách chiến tuyến 5 km", ông Matveev nói.

Nếu mở rộng quy mô quá mức, hậu cần sẽ sụp đổ và đối phương sẽ phản công mạnh mẽ. Tuy nhiên, những nhóm cơ giới nhỏ có thể là nền tảng cho các cuộc đột phá lớn hơn trong tương lai.

Hiện Ukraine dùng chiến thuật này để phản kích có mục tiêu, làm chậm bước tiến của Nga và mở rộng vùng kiểm soát.

Theo Euromaidan Press
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine