1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đòn tấn công của Nga "đục lỗ hổng" vào lá chắn phòng thủ Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quả tên lửa Iskander của Nga đã gây ra một thiệt hại khó có thể bù đắp nhanh chóng cho hệ thống phòng không Patriot của Ukraine trên tiền tuyến.

Forbes đưa tin, đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 9/3 cho thấy, quân nhân điều khiển UAV của Moscow đã phát hiện ra đoàn xe có ít nhất 2 bệ phóng tên lửa của hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đang di chuyển tại Pokrovsk ở mặt trận Donbass.

Sau khi nhận được thông tin, đội ngũ vận hành tên lửa Iskander của Nga từ cách xa hàng trăm km đã nhanh chóng chớp thời cơ và ấn nút khai hỏa. Quả tên lửa đã bay thẳng tới đoàn xe Ukraine, làm phát nổ 2 bệ phóng.

Nga phá hủy 2 bệ phóng Patriot của Ukraine (Video: Bộ Quốc phòng Nga).

Theo Forbes, đòn tập kích của Nga được thực hiện vào một thời điểm vô cùng quan trọng với cả 2 bên. Trong vài tuần qua, Ukraine liên tục tuyên bố bắn rơi tiêm kích của Nga ném bom lượn thông minh xuống các vị trí của Kiev, vào khoảng 15 chiếc trong 2 tuần. 

Chuyên gia nhận định, Ukraine đã có quyết định mạo hiểm khi đưa các tổ hợp Patriot tới gần tiền tuyến nhưng đây là biện pháp cần thiết để ngăn Nga chiếm ưu thế hoàn toàn trên không khi cuộc chiến tiêu hao đã bước sang năm thứ 3.

Nếu Ukraine thực sự mất đi 2 bệ phóng Patriot, đây sẽ là tổn thất khó có thể bù đắp nhanh chóng. Ukraine có chỉ có 3 khẩu đội Patriot - mỗi khẩu đội có thể có radar và từ 4 đến 8 bệ phóng - cùng với 4 bệ phóng dự phòng khác.

Theo Forbes, đòn tập kích của Nga có thể đã khiến Ukraine mất đi tối đa 13% số bệ phóng Patriot, tạo ra một lỗ hổng phòng không của phía Kiev, trước sức mạnh không quân áp đảo của Nga.

Các bệ phóng di động là những thành phần quan trọng trong hệ thống Patriot cùng với radar, trạm chỉ huy và hệ thống nạp lại tên lửa. Đây được xem là hệ thống phòng không tốt nhất của Ukraine, với tầm bắn hơn 100km.

Ukraine không chỉ dùng Patriot trên hơn 1.000km tiền tuyến, mà còn sử dụng chúng để bảo vệ mục tiêu quan trọng trong các thành phố lớn. 

Hiện chưa rõ vì sao đoàn xe Patriot của Ukraine không có lực lượng phòng không riêng khi di chuyển. Một lý do có thể là phòng không Ukraine đang bị dàn trải quá mỏng để bảo vệ các mục tiêu trong bối cảnh họ thiếu nghiêm trọng các lá chắn thép trước các đòn tấn công liên tục của Nga bằng UAV và tên lửa.

Đòn tấn công của Nga đục lỗ hổng vào lá chắn phòng thủ Ukraine - 1

Bệ phóng Patriot nổ tung sau cuộc tấn công (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Ngoài Patriot, tuần qua Nga cũng công bố đoạn video cho thấy tên lửa Iskander của nước này bắn nổ tung hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS khi nó đang di chuyển. Những vụ tập kích này cho thấy hệ thống phòng không bảo vệ lực lượng mặt đất của Kiev dường như đã lộ ra khe hở để Nga có thể tận dụng.

Việc bị mất Patriot và có thể là mất cả kíp điều khiển giàu kinh nghiệm là tổn thất không nhỏ cho Ukraine, đặt thêm gánh nặng cho Kiev để đối phó Nga trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh bom lượn thông minh phóng từ máy bay của Moscow đang liên tục phá vỡ phòng tuyến của đối phương.

Trên thế giới, nhà thầu Mỹ Raytheon là bên duy nhất sản xuất phần cứng cho hệ thống Patriot. Ukraine hoặc một trong các đồng minh của họ có thể sẽ được ưu tiên để đặt hàng xe phóng Patriot mới để thay thế nhưng quá trình này sẽ mất nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm và tốn kém số tiền lớn.

Trong khi đó, các khoản viện trợ từ phương Tây đang ngày càng trở nên nhỏ giọt khi nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ vẫn đang xung đột nội bộ dẫn tới khoản tiền 65 tỷ USD mắc kẹt ở quốc hội. Thách thức cho Ukraine sẽ là không nhỏ để tiếp tục bù đắp vào lỗ hổng phòng không đang dần trở nên rộng hơn.  

Hy vọng lớn nhất của Ukraine sẽ là các đồng minh phương Tây tiếp tục viện trợ hệ thống Patriot sẵn có để Kiev bù đắp vào những mất mát. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm