1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điểm sơ hở có thể khiến xe tăng Nga dễ tổn thương trước hỏa lực Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra một vấn đề tồn tại trên xe tăng của Nga khiến chúng có thể trở nên dễ tổn thương trước các vũ khí của Ukraine.

Điểm sơ hở có thể khiến xe tăng Nga dễ tổn thương trước hỏa lực Ukraine - 1

Một xe tăng T-72 của Nga bị phá hủy ở vùng Kiev, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nga đã mất một số xe tăng trên chiến trường. Chưa có thống kê nào được Nga công bố, nhưng các hình ảnh ở hiện trường cho thấy hình ảnh nhiều xe tăng Nga bị vũ khí phá hủy phần phía trên.

Các chuyên gia cho rằng, xe tăng Nga đã tồn tại một điểm sơ hở về mặt thiết kế mà quân đội các nước phương Tây đã biết được hàng chục năm trước.

Vấn đề ở đây được cho là cách mà Nga bảo quản đạn dược của xe tăng. Không giống xe tăng hiện đại của phương Tây, xe tăng của Nga mang nhiều đạn pháo bên trong tháp pháo. Điều này được xem là yếu tố có thể làm các vũ khí này dễ bị tổn thương vì ngay cả bị tấn công gián tiếp, nó cũng có thể tạo ra phản ứng dây chuyền làm nổ tung toàn bộ kho đạn lên tới 40 quả. Sóng xung kích có thể làm nổ tháp pháo của xe tăng, vốn cao ngang một căn nhà 2 tầng.

Sam Bendett, chuyên gia tại tổ chức CNAS (Mỹ), cho rằng vấn đề của các xe tăng Nga nằm ở khâu thiết kế, vì "một cú đánh thành công có thể châm ngòi cho đạn pháo trong xe tăng gây ra một vụ nổ lớn và tháp pháo có thể bị thổi bay".

Nicholas Drummond, một nhà phân tích quốc phòng chuyên người Anh, cho rằng yếu tố này có thể gây nguy hiểm cho kíp điều khiển xe tăng, vì nếu họ không thoát ra kịp họ có thể gặp rủi ro bị tổn thương.

Theo các chuyên gia, vấn đề về vị trí kho đạn của xe tăng do Nga sản xuất từng được phương Tây chú ý từ những năm 1991 và 2003 khi Mỹ tham chiến ở Iraq. Vào thời điểm đó, nhiều xe tăng T-72 do Nga sản xuất mà quân đội Iraq sử dụng cũng gặp phải tình trạng bị nổ tung tháp pháo khi bị trúng hỏa lực đối phương.

Theo chuyên gia Bendett, việc Nga đặt đạn dược ở vị trí như vậy cũng có lợi ích nhất định. Nó có thể giúp Nga tiết kiệm diện tích trên xe tăng và cũng khiến vũ khí này khó bị tấn công hơn. Tuy nhiên, khi bị đánh trúng thì hậu quả gây ra cho xe tăng không phải là nhỏ.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm