Dấu hiệu ngành năng lượng Nga vượt qua "bão" trừng phạt của phương Tây
(Dân trí) - Nga thông báo doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của nước này đã gần hồi phục so với thời điểm trước khi chiến sự với Ukraine bùng phát, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tiết lộ số tiền Moscow thu được từ xuất khẩu dầu và khí đốt là 100 tỷ USD trong năm nay, gần bằng mức doanh thu được ghi nhận vào năm 2021, trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát.
Trả lời kênh Rossiya 24, ông Novak cho biết hơn một nửa tổng doanh thu xuất khẩu của Nga đến từ lĩnh vực năng lượng, nhấn mạnh rằng việc bán dầu và khí đốt tiếp tục đảm bảo thu nhập ổn định cho ngân sách nước này.
Theo ông Novak, ngành năng lượng của Nga đóng góp "khoảng 27% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP)", và tiền thu được từ dầu khí chiếm "gần 57% tổng doanh thu xuất khẩu của cả nước chúng ta".
Ông cũng cho hay, một nửa lượng năng lượng xuất khẩu của Nga trong năm nay đã chảy sang Trung Quốc, trong khi thị phần của Ấn Độ đã tăng lên 40% trong 2 năm qua.
Trong khi đó, thị phần của châu Âu trong xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm 90% trong hai năm qua, từ 40-45% vào năm 2021 xuống còn khoảng 4-5% trong năm nay, ông Novak cho biết thêm.
Các công ty năng lượng của Nga đã chuyển hướng nguồn cung sang châu Á sau khi xuất khẩu sang EU giảm sút trong bối cảnh phương Tây áp hàng loạt các lệnh trừng phạt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngoài ra, đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc nghi bị phá hoại cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu.
Các nước G7 và EU năm ngoái áp trần giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Những hạn chế tương tự đã được đưa ra vào tháng 2 đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Các biện pháp này nhằm làm giảm đáng kể lợi nhuận của Moscow từ năng lượng nhưng không làm gián đoạn nguồn cung thị trường dầu khí.
Tuy nhiên, Nga tuyên bố các biện pháp này không có hiệu quả và họ sẽ không cung cấp năng lượng cho các nước áp giá trần với sản phẩm của họ.
Ngày 14/11, Financial Times dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây cho biết, "không có một thùng dầu nào của Nga được bán với giá dưới mức 60 USD" trong những tháng qua.
Doanh thu từ năng lượng được xem là một trong những yếu tố có thể giúp Nga có được tiềm lực kinh tế để duy trì cuộc chiến tiêu hao khi họ đã bị áp 17.500 lệnh trừng phạt, trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất trên thế giới.