1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu Thủ tướng Italy đề xuất giải pháp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cho rằng các quốc gia phương Tây nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Cựu Thủ tướng Italy đề xuất giải pháp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine - 1

Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik).

Theo cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ chỉ đồng ý đạt thỏa thuận với Nga "nếu một lúc nào đó Ukraine nhận ra rằng, họ không còn có thể trông cậy vào vũ khí và viện trợ" từ bên ngoài. Thay vào đó, phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine "hàng trăm tỷ USD tái thiết" đất nước như động lực để Kiev đàm phán với Nga.

Cựu Thủ tướng Italy cũng cho rằng Ukraine nên công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo phía nam Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Ông Berlusconi cho biết một cuộc trưng cầu dân ý mới với sự tham gia của các nhà quan sát phương Tây cũng nên được tổ chức tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine để xác định số phận của vùng lãnh thổ này.

Ông Berlusconi gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "người của hòa bình". Cựu Thủ tướng Italy thừa nhận ông đã cố gắng liên lạc với Tổng thống Putin khi xung đột giữa Moscow và Kiev nổ ra vào cuối tháng 2, nhưng không thể liên lạc qua điện thoại với nhà lãnh đạo Nga.

Trước đó, một số nhà lãnh đạo của các nước cũng đề xuất các phương án để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong đó đều cho rằng đàm phán là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 9 nhận định đàm phán là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Ông cũng kêu gọi một giải pháp "hòa bình có thể thương lượng" giữa Moscow và Kiev.

Nhận định về vai trò của phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine, ông Macron nhấn mạnh rằng "nhiệm vụ của chúng tôi là giữ vững lập trường của mình". Theo ông, lập trường này là "giúp Kiev bảo vệ lãnh thổ và không bao giờ tấn công Nga".

Đầu tháng 10, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố đàm phán là cách để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Theo ông Trump, nếu hai nước không đàm phán ngay lập tức để kết thúc xung đột, "thế chiến III sẽ nổ ra và hành tinh này sẽ không còn lại gì". Ông Trump từng một vài lần nói rằng, xung đột ở Ukraine sẽ không nổ ra nếu ông tái đắc cử năm 2020.

Hồi tháng 7, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Ông cũng khẳng định đây là cách duy nhất để giảm tổn thất cho dân thường.

Cựu Thủ tướng Đức cũng chỉ trích việc phương Tây tập trung cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Schroeder nhấn mạnh tất cả quốc gia, bao gồm "những quốc gia không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột", nên "làm việc cùng nhau để tìm ra một giải pháp ngoại giao".

Các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine thông qua đàm phán cho đến nay vẫn rơi vào bế tắc khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề then chốt, trong đó có vấn đề lãnh thổ.

Ông Zelensky nhiều lần khẳng định, Ukraine sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với điều kiện Nga phải rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine. Ông cho biết, Kiev quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea.

Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine