1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger nêu đề xuất hòa bình cho chiến sự Nga-Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nêu ra đề xuất đàm phán hòa bình cho chiến sự Nga - Ukraine, cảnh báo rằng việc trì hoãn thương lượng có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger nêu đề xuất hòa bình cho chiến sự Nga-Ukraine - 1

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: Reuters).

Trong một bài viết đăng tải hôm 17/12 trên The Spectator, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định, đàm phán khẩn cấp để chấm dứt chiến sự ở Ukraine sẽ ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới xảy ra.

Cựu chính trị gia 99 tuổi lưu ý rằng, vào năm 1916, chính phủ Mỹ đã có cơ hội kết thúc Thế chiến I thông qua ngoại giao, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội này vì lý do chính trị trong nước.

Trong bài viết, ông Kissinger mô tả cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện tại là "cuộc chiến trong đó hai cường quốc hạt nhân đối đầu tại một quốc gia được trang bị vũ khí thông thường". Theo RT, cách mô tả này dường như ám chỉ rằng xung đột Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga.

Theo ông Kissinger, tiến trình hòa bình mà ông đề xuất sẽ "liên kết Ukraine với NATO, dù được thể hiện như thế nào" vì ông tin rằng việc Kiev trở nên trung lập không còn là một lựa chọn. Ông cũng kêu gọi Nga rút quân về giới tuyến trước ngày 24/2, trong khi số phận các vùng Donetsk, Lugansk và Crimea "có thể là chủ đề của một cuộc đàm phán sau khi ngừng bắn".

Ngoài việc "xác nhận nền tự do của Ukraine", ông Kissinger cho rằng, thỏa thuận do ông đề xuất sẽ "xác định một cấu trúc quốc tế mới, đặc biệt là đối với Trung và Đông Âu", trong đó Nga cuối cùng sẽ tìm được một vị trí phù hợp.

Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã dứt khoát bác bỏ bất kỳ hình thức ngừng bắn nào mà không lấy biên giới mà Kiev tuyên bố năm 1991 làm điểm khởi đầu.

Giới quan sát cũng không rõ liệu Moscow có chấp nhận bất kỳ lệnh ngừng bắn nào do phương Tây làm trung gian hay không, sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng hiệp định đình chiến Minsk năm 2014 nhằm "cho Ukraine thêm thời gian" chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Nga.

Khi được hỏi về đề xuất của ông Kissinger, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin "rất mong muốn được đọc kỹ bài báo," nhưng "rất tiếc là chưa có cơ hội để làm như vậy".

Nga đã mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 vì cáo buộc Kiev không thực hiện thỏa thuận Minsk nhằm trao tình trạng đặc biệt cho các khu vực Lugansk và Donetsk trong nhà nước Ukraine.

Nga nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Trong khi đó, ông Zelensky đã công bố công thức hòa bình bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.

Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ". 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine