Cuộc phản công chậm chạp của Kiev gây sóng gió cho ông Zelensky tại Mỹ
(Dân trí) - Các nghị sĩ Mỹ cho rằng, cuộc phản công của Ukraine bị đình trệ có thể gây ra thảm họa chính trị cho ông Zelensky tại Mỹ cũng như tổn thất chiến lược cho Ukraine.
Cái khó của Ukraine
CNN đưa tin, Ukraine đang theo đuổi chiến dịch phản công nhiều tham vọng nhưng cho đến nay vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của chính họ và phương Tây. Điều đó có thể tạo ra một trong những bi kịch lớn nhất là Kiev không thể tự mình quyết định vận mệnh của mình.
Bên cạnh thành tích của Ukraine trên chiến trường thì kết quả của cuộc xung đột có thể cũng sẽ được định hình bởi các yếu tố bên ngoài, bao gồm cả sự thay đổi của những lực lượng chính trị ở Mỹ, Moscow và các thủ đô châu Âu.
Chẳng hạn, cuộc tấn công bị đình trệ và bế tắc của Kiev trong mùa đông sẽ có những tác động cụ thể đối với Mỹ, vì nó có thể làm dấy lên câu hỏi về sự ủng hộ của Washington đối với cuộc xung đột sẽ ra sao vào năm tới khi cuộc bầu cử gay gắt sắp đến.
Người Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa Tổng thống Joe Biden, người đã "hồi sinh" liên minh phương Tây và ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, với cựu Tổng thống Donald Trump, một người hoài nghi NATO, người hâm mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã cam kết chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ.
Ngay cả khi ông Trump không phải là ứng cử viên vào năm 2024, việc giảm bớt sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến có thể ảnh hưởng tới Tổng thống Biden.
Do đó, vì các lý do chính trị cũng như chiến lược, có áp lực rất lớn đối với cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine vào mùa hè này, nhằm tạo ra những bước đột phá quan trọng trên chiến trường.
Nhưng cho đến nay, cuộc tấn công giống như một khẩu hiệu hơn là một cuộc tấn công chớp nhoáng, làm tăng khả năng xung đột có thể kéo dài ít nhất cho tới năm sau.
Nếu vậy, cuộc xung đột - liên quan đến năng lực chiến đấu của Ukraine, sự mong muốn của Ukraine đối với các gói viện trợ trị giá hàng tỷ USD và khả năng chịu đựng thương vong lớn của Nga - sẽ còn căng thẳng hơn.
Một bài báo của CNN hôm 8/8 cho biết các quan chức cấp cao của Mỹ và phương Tây đang đánh giá ngày càng "nghiêm túc" hơn về khả năng giành lại những vùng lãnh thổ quan trọng của quân đội Ukraine.
Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây đã ảm đạm nói rằng mặc dù có cơ hội để Ukraine đạt được tiến bộ, nhưng điều đó "rất khó xảy ra" đủ để thay đổi cán cân của cuộc xung đột trong những tuần tới.
Các quan chức cả trong và ngoài Ukraine giờ đây thừa nhận những bước tiến trong cuộc tấn công đang đến chậm hơn so với những gì họ mong đợi.
Ukraine hứng chịu những tổn thất nặng nề trong phản công một phần xuất phát từ những tuyến phòng thủ kiên cố, nhiều lớp, chiến hào và bãi mìn dày đặc của Nga và thực tế chiến trường cho thấy bên tấn công cần có lợi thế về quân số so với bên phòng thủ.
Cuộc chiến hiện đã bước vào một giai đoạn khó khăn hơn đối với Ukraine.
Ông Zelensky thừa nhận khó khăn
Tổng thống Zelensky rất nhạy cảm với bất kỳ quan điểm nào cho rằng cuộc phản công là một sự thất vọng, mặc dù ông luôn nhấn mạnh rằng Ukraine cần nhiều vũ khí phương Tây cao cấp hơn.
"Phản công rất khó. Nó đang diễn ra có lẽ chậm hơn so với cách mà một số người có thể muốn hoặc có thể nhìn thấy nó", ông Zelensky nói và kêu gọi sự kiên nhẫn giữa các đồng minh.
Ông cam kết rằng lực lượng của mình sẽ chiến thắng những người Nga đang mất tinh thần. "Có sự mệt mỏi trong mắt chúng tôi, nhưng có sự sợ hãi trong mắt họ. Và đây là hai điều rất khác nhau", ông nói.
Vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc tấn công của Ukraine sắp hết thời gian, mặc dù thời tiết mùa thu sắp đến có thể khiến các cuộc tấn công lớn trở nên khó khăn hơn.
Trung tướng lục quân đã nghỉ hưu tướng quân Mỹ Mark Hertling đã chỉ ra rằng, "nhiều nhà phân tích ban đầu tin Ukraine không thể ngăn chặn Nga khi nổ ra cuộc xung đột này", nhưng đã bị lực lượng của Kiev chứng minh điều đó là không đúng.
Ông tin tưởng rằng Ukraine đang tiến hành một cuộc tấn công quy mô trên một khu vực rộng lớn và cần có thời gian. Tướng Hertling nói: "Có nhiều bình luận gay gắt về những gì đang diễn ra hiện nay, nhưng những gì Ukraine đang làm là nhiệm vụ khó khăn nhất trong tất cả các nhiệm vụ và sẽ mất nhiều thời gian".
Tác động từ triển vọng chính trị của Mỹ đối với Ukraine
Liệu phương Tây có đủ kiên nhẫn để cho Ukraine thời gian cần thiết? Việc thiếu những bước đột phá lớn trong những tuần tới sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây có ít lựa chọn.
Bất chấp một hội nghị quốc tế cấp cao ở Ả Rập Xê Út vào cuối tuần qua để tìm kiếm các giải pháp hòa bình tiềm năng, cho đến nay vẫn chưa có con đường rõ ràng nào dẫn đến một lệnh ngừng bắn.
Ukraine không muốn nhượng bộ, không thỏa hiệp vì họ tìm cách quay trở lại đường biên giới năm 1991, điều dường như không thể xảy ra ngay bây giờ. Còn Nga vẫn chưa đạt được những lợi ích cho phép có thể tuyên bố một chiến thắng.
Cuối cùng, khả năng chịu đựng những tổn thất nặng nề trên chiến trường của cả Nga và Ukraine sẽ rất quan trọng, quyết định thời điểm một trong hai bên có thể sẵn sàng đàm phán.
Thời điểm khi kịch bản này xảy ra có thể liên quan nhiều đến sự hỗ trợ liên tục hoặc mong manh về dài hạn của Mỹ.
Dù có đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không, di sản của Tổng thống Biden sẽ bị chi phối bởi vai trò của ông trong việc đối phó với Nga.
Ông Biden đang nghiên cứu một dự luật tài trợ bổ sung mới có thể sẽ sẵn sàng để Quốc hội xem xét vào cuối năm nay. Biện pháp này sẽ là phép thử quan trọng nhất đối với việc đa số nghị sĩ Hạ viện sẵn sàng ủng hộ hỗ trợ hàng tỷ USD cho cuộc chiến, bất chấp sự hoài nghi sâu sắc của nhiều đảng viên Cộng hòa.
Bất kỳ nhận định nào cho rằng cuộc tấn công của Ukraine đã bị sa lầy sẽ làm sâu sắc thêm sự hoài nghi đó đối với cam kết của Mỹ, mặc dù chính sách đối ngoại hiếm khi là yếu tố quyết định trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc xung đột ở Ukraine không phải là vấn đề chi phối trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Các động lực chính trị trong Hạ viện thể hiện một nền tảng khá bấp bênh cho sự hỗ trợ quan trọng của Mỹ đối với Ukraine. Điều đó nhấn mạnh lý do tại sao một cuộc phản công bị chững lại có thể gây ra thảm họa chính trị cho ông Zelensky ở Mỹ cũng như một tổn thất chiến lược cho Ukraine.
Do sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến đang giảm sút, ông Biden có thể phải đối mặt với một nhiệm vụ phức tạp là giải thích sự gia tăng hỗ trợ của Washington cho Ukraine khi ông tái tranh cử vào năm tới.
Không có quân đội Mỹ tham chiến trong cuộc xung đột tại Ukraine, và tổng thống từ lâu đã phản đối sự tham gia của Mỹ vào các vấn đề ở nước ngoài. Ông Biden đã coi việc tránh một cuộc đụng độ trực tiếp của Mỹ với Nga là trọng tâm trong chiến lược của mình. Nhưng cựu Tổng thống Trump đã lớn tiếng cảnh báo rằng lập trường của ông Biden đối với Ukraine có thể dẫn đến Thế chiến III và xung đột hạt nhân.
Vì vậy, khi các cử tri Mỹ quyết định tương lai của chính họ vào tháng 11 năm 2024, rất có thể họ cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong việc định đoạt số phận của Ukraine.