1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Rộ tin Nga đưa UAV hoạt động như "tàu sân bay trên không" tới Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các trang mạng xã hội và truyền thông Nga đưa tin về nghi vấn Moscow có thể đã đưa tới Ukraine loại UAV có thể thả ra các máy bay không người lái tự sát cỡ nhỏ hơn trên không.

Rộ tin Nga đưa UAV hoạt động như tàu sân bay trên không tới Ukraine - 1

Thiết bị được cho là UAV Pchelka của Nga (Ảnh chụp màn hình: X).

The War Zone cho biết, truyền thông Nga những ngày qua đưa tin về việc Moscow dường như đã triển khai một dòng UAV mới có thể đóng vai trò như "tàu mẹ", tức là có thể thả ra các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) cỡ nhỏ hơn.

Nguồn tin nói rằng, UAV "tàu mẹ" cũng có khả năng hoạt động như một nút chuyển tiếp tín hiệu để kết nối UAV FPV với người vận hành ở khoảng cách xa hơn.

Hình ảnh đăng trên mạng cho thấy Pchelka, UAV chạy bằng khí đốt có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, dường như xuất hiện ở Donbass.

Khả năng cất cánh và hạ cánh từ bất cứ đâu là một điểm cộng lớn của Pchelka. Nó có thể bay đến rìa tiền tuyến rồi phóng ra các UAV FPV nhỏ hơn.

Cả Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin này, nhưng nếu đây là sự thật, nó sẽ mang đến cho Nga lợi thế lớn trên thực địa.

Thứ nhất, nó sẽ khắc phục được tầm tấn công hạn chế của các UAV FPV, vốn vào khoảng chỉ vài km. Các UAV này giá rẻ, tương đối đơn giản nhưng có thể được sản xuất với số lượng lớn, đồng thời có khả năng phá hủy cả những vũ khí hàng triệu USD.

Nhược điểm lớn nhất của UAV FPV là chỉ tấn công trong khoảng cách giới hạn do nó phụ thuộc vào người điều khiển. Nó không thể bay quá xa người điều khiển vì sẽ bị ngắt kết nối. Vì vậy, dù hiệu quả và có giá rẻ, nhưng UAV FPV không thể thay thế pháo, vũ khí có mức độ sát thương cũng như tầm tấn công xa hơn dù đắt hơn.

Cơ chế UAV "tàu mẹ" mang theo UAV FPV ở trong như "tàu sân bay trên không" sẽ giải quyết tốt cho bài toán về phạm vi tập kích. Về mặt bản chất, tàu sân bay giống như căn cứ không quân di động của một quân đội, cho phép các tiêm kích của họ tăng tầm chiến đấu ở từng khu vực.

UAV "tàu mẹ", nếu có thật, cũng giúp UAV FPV, mở rộng khả năng luồn sâu vào khu vực do đối phương kiểm soát.

Ngoài ra, với việc UAV FPV có thể tấn công xa hơn, người điều khiển nó có thể giảm được rủi ro của việc bị đối phương nhằm mục tiêu tấn công do quá gần tiền tuyến.

Mặt khác, nếu Pchelka có khả năng trung chuyển tín hiệu giữa người điều khiển và UAV PFV thì đây chính là điểm sáng của dòng vũ khí này.

Tuy nhiên, cơ chế này cũng có điểm yếu là nó chỉ tăng tầm hoạt động được cho UAV FPV nhưng vẫn không thể bảo vệ các UAV này trước các thiết bị tác chiến điện tử, gây nhiễu liên tục trên tiền tuyến của đối phương.

Ngoài ra, UAV "tàu mẹ" cũng dễ trở thành mục tiêu tấn công của phòng không đối phương khi bay lảng vảng đóng vai trò là nút chuyển tín hiệu trung gian. Kích thước của nó lớn hơn nhiều so với UAV FPV. Nếu UAV "tàu mẹ" bị bắn rơi, các UAV nhỏ hơn bên trong sẽ trở nên vô dụng.

Mặc dù vậy, về mặt bản chất các UAV này không có chi phí quá cao nên việc mất chúng trên chiến trường không phải tổn thất quá lớn, nhưng lợi ích thực tế mang lại dường như vượt xa so với rủi ro.

Theo The War Zone
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm