Con trai ông Trump nêu cách duy nhất chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine cần chấm dứt trên bàn đàm phán và để thuyết phục Moscow đàm phán, phương Tây cần ngừng viện trợ quân sự cho Kiev, con trai của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định.
"Ngừng viện trợ. Đó là cách duy nhất để thúc đẩy họ (Ukraine) ngồi vào bàn đàm phán", Donald Trump Jr., con trai cựu Tổng thống Trump, nêu quan điểm về xung đột Nga - Ukraine.
Theo con trai cả của ông Trump, việc Mỹ viện trợ quân sự và kinh tế lên đến 111 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 khiến tình hình thêm phức tạp. Ông cho rằng, bất chấp các gói viện trợ khổng lồ của Mỹ và các đồng minh phương Tây, Ukraine vẫn không thể giành chiến thắng trên chiến trường.
Donald Trump Jr. nói, nếu cha mình trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ông ấy sẽ nói với chính phủ Ukraine rằng: "Các vị chỉ còn một tháng nữa, nếu không ngồi vào bàn đàm phán, mọi chuyện sẽ kết thúc". Ông Trump Jr. dường như ám chỉ rằng, nếu ông Trump tái đắc cử, Mỹ sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu Kiev không đồng ý đàm phán với Moscow.
"Thử nghĩ mà xem, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ không còn cơ hội, nếu chúng tôi ngừng viện trợ, nên ông ấy sẽ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán, Nga và Ukraine sẽ đi đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột", con trai cả của ông Trump dự đoán.
Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử. Tuyên bố này cũng với việc ông luôn thể hiện quan điểm không ủng hộ các gói viện trợ lớn cho Ukraine làm dấy lên đồn đoán Washington sẽ cắt viện trợ cho Kiev nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" hồi tháng 2/2022. Nhà Trắng tuần trước xác nhận Mỹ đang tạm ngừng viện trợ do bất đồng ở quốc hội.
Các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Anh, tiếp tục cam kết viện trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraine.
Trong chuyến thăm Ukraine tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố gói viện trợ mới hơn 3 tỷ USD cho Ukraine. Gói viện trợ sẽ đáp ứng nhu cầu của Ukraine về tên lửa tầm xa, hệ thống phòng không, đạn pháo và an ninh hàng hải. Ngoài ra, nguồn hỗ trợ này sẽ đảm bảo cung cấp hàng trăm triệu USD giúp Kiev mua sắm hàng nghìn thiết bị bay không người lái được sử dụng trong các hoạt động quốc phòng.
Anh và Ukraine cũng ký Thỏa thuận Hợp tác An ninh song phương có hiệu lực 10 năm và có thể gia hạn nếu cần. Thủ tướng Sunak cũng nhấn mạnh, thỏa thuận tái khẳng định rằng trong trường hợp Ukraine hứng chịu cuộc tấn công khác của Nga, Anh sẽ sát cánh cùng Ukraine và cung cấp hỗ trợ an ninh.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát, nếu việc Washington đóng băng viện trợ kéo dài, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tác chiến của Ukraine.
Ukraine đến nay bác bỏ ý tưởng đóng băng xung đột với Nga. Kiev cũng bác bỏ đồn đoán rằng phương Tây thúc ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những thỏa hiệp nhất định với Moscow.
Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Moscow luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine và phương Tây.
Đáp lại bình luận của một nhà ngoại giao Thụy Sĩ bên lề Hội nghị Davos cuối tuần qua rằng Nga cần tham gia vào các cuộc thảo luận hòa bình ở Ukraine, bà Zakharova nói, nếu phương Tây muốn đàm phán, trước hết, họ cần ngừng cấp vũ khí cho Ukraine.
"Nếu muốn tìm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine, họ (phương Tây) nên ngừng cấp vũ khí cho Ukraine, ngừng áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga, ngừng đưa ra các tuyên bố bài Nga", bà Zakharova nói.