1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine nêu chìa khóa chấm dứt xung đột sau tuyên bố bắn hạ 3 Su-34 Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng sau khi quân đội Kiev tuyên bố bắn hạ 3 máy bay ném bom Su-34 của Nga trong một ngày.

Ukraine nêu chìa khóa chấm dứt xung đột sau tuyên bố bắn hạ 3 Su-34 Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Tuần này, chúng tôi một lần nữa chứng minh hiệu quả của việc tăng cường phòng không. Không chỉ để bảo vệ các thành phố và làng mạc khỏi máy bay không người lái và tên lửa của Nga mà còn hỗ trợ các lực lượng chiến đấu trên mặt trận", Tổng thống Zelensky nói trong bài phát biểu qua video hôm 23/12.

"Việc bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga là một trong những chìa khóa để đưa cuộc chiến này đến hồi kết, một kết thúc chính đáng. Tôi cảm kích tất cả đối tác đã giúp đỡ chúng tôi trong việc này và đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp hỗ trợ chúng tôi trong năm tới", ông Zelensky nói thêm.

Mykola O Meatchuk, Tư lệnh Lực lượng Không quân thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine, ngày 22/12 thông báo 3 máy bay ném bom Su-34 của Nga đã bị bắn hạ ở mặt trận phía Nam, nơi được xem là trọng tâm trong chiến dịch phản công của Kiev suốt 6 tháng qua.

Đại tá Yurii Ihnat, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine, xác nhận, 3 chiếc Su-34 đã bị bắn hạ trong một tình huống mạo hiểm khi các máy bay ném bom Nga đang tìm cách thả bom dẫn đường sâu hơn phía sau giới tuyến.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết quân đội nước này đã triển khai chiến dịch săn lùng tiêm kích bom Su-34 của Nga trong thời gian dài.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước sang năm thứ 2, nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả hai bên vẫn tiếp tục nỗ lực giành quyền kiểm soát các khu vực trên các mặt trận.

New York Times dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã ra tín hiệu "phía sau hậu trường" rằng Nga sẵn sàng ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện tại.

Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn mà ông Putin mong muốn đồng nghĩa với việc Nga sẽ giữ lại các vùng lãnh thổ mà nước này đang kiểm soát ở Ukraine.

"Ông ấy thực sự sẵn sàng dừng lại ở các vị trí hiện tại. Ông ấy không sẵn lòng lùi lại một mét", một cựu quan chức cấp cao của Nga nói với New York Times.

Các quan chức Mỹ nhận thấy sự thay đổi trong lập trường của Tổng thống Putin, lưu ý rằng ông không còn yêu cầu chính phủ của Tổng thống Zelensky từ chức nữa. Các quan chức Mỹ nói rằng lệnh ngừng bắn mà ông Putin đề xuất sẽ bảo vệ chủ quyền của Ukraine với thủ đô là Kiev, nhưng Nga sẽ kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine mà Moscow đã giành được.

Theo New York Times, một số quan chức Mỹ cho rằng việc Tổng thống Putin được cho là sẵn sàng kết thúc chiến tranh có thể là nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận và "không phản ánh sự sẵn sàng thực sự" để kết thúc chiến tranh.

Các nguồn tin của Mỹ nói thêm rằng mặc dù ông Putin đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng ông vẫn chờ đợi một đề xuất cụ thể hơn.

Một trong nhiều trở ngại có thể xảy ra là quyết tâm của Tổng thống Putin trong việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO. Tuy nhiên, một cựu quan chức Nga lưu ý rằng, những bất đồng về vấn đề này sẽ không phải là lý do để ông Putin không đàm phán, vì NATO dự kiến sẽ không chấp nhận kết nạp Ukraine trong tương lai gần.

Ukraine đã đưa ra "công thức hòa bình" 10 điểm vào tháng 11/2022. Một trong những điểm then chốt làm tiền đề để bắt đầu đàm phán hòa bình là việc Nga rút toàn bộ quân đội khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả các khu vực mà Nga đã sáp nhập vào năm 2022.

Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014.

Theo Pravda