Cơ hội nào để Ukraine trở thành "mảnh ghép" của liên minh NATO?
(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Litva được kỳ vọng sẽ có phần bàn về tư cách thành viên của Ukraine, tuy nhiên con đường để Kiev trở thành mảnh ghép của liên minh quân sự này còn nhiều chông gai.
Các quan chức hàng đầu của Ukraine hy vọng hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO lần này (từ ngày 11/7 đến 12/7) tại Vilnius, Litva sẽ là một khoảnh khắc tuyệt vời, khi Ukraine cuối cùng cũng nhận được một "tín hiệu rõ ràng" về con đường gia nhập liên minh, gắn kết Kiev vào cơ sở hạ tầng an ninh của phương Tây và gửi một thông điệp rõ ràng tới Moscow.
Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, cho biết hội nghị thượng đỉnh NATO lần này "phải kết thúc" với việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg "đứng cạnh nhau" và tuyên bố: "Hôm nay, chúng ta đã đạt được một quyết định lịch sử. Hôm nay, chúng tôi đã mời Ukraine gia nhập NATO".
Nhưng khi hội nghị thượng đỉnh NATO cận kề, mong muốn của quan chức Ukraine vẫn còn là viễn cảnh xa vời. Bất kỳ kế hoạch nào của NATO về việc kết nạp thêm thành viên mới đều phải được sự đồng ý của tất cả 31 thành viên.
Ukraine đã tăng cường nỗ lực gia nhập NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng vào tháng 2 năm ngoái. Ukraine cho rằng những đảm bảo an ninh mà Nga, Mỹ và Anh đưa ra khi nước này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân vào năm 1994 đã không còn giá trị.
Năm 2008, tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Bucharest (Romania), liên minh quân sự này đã đồng ý rằng Ukraine, quốc gia từng tách ra khỏi Liên Xô, có thể gia nhập liên minh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO không trao cho Kiev Kế hoạch Hành động Tư cách Thành viên (MAP), trong đó vạch ra một lộ trình để đưa Ukraine tiến gần hơn khối này. Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine, trong khi giao tranh ở phía Đông Ukraine cũng tăng nhiệt.
Trong một chuyến thăm hiếm hoi tới Kiev hồi tháng 4, ông Stoltenberg tuyên bố "vị trí phù hợp" của Ukraine là trong liên minh NATO, nhưng sau đó nói rõ rằng Kiev sẽ không thể gia nhập NATO trong khi vẫn chưa chấm dứt cuộc chiến với Nga, lực lượng đang kiểm soát nhiều khu vực phía đông và phía nam của Ukraine.
Vào đầu tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev hiểu lập trường của NATO, nhưng tới cuối tháng, ông vẫn kêu gọi NATO chấp thuận lời mời Ukraine gia nhập khối.
"Chúng tôi cần tín hiệu rất rõ ràng và dễ hiểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius rằng Ukraine có thể trở thành một thành viên bình đẳng của NATO sau chiến sự. Lời mời gia nhập liên minh là bước đầu tiên rất thiết thực và rất quan trọng với chúng tôi", Tổng thống Zelensky cho biết.
Theo quy trình MAP, các quốc gia ứng cử viên phải chứng minh rằng họ đáp ứng đủ các tiêu chí về chính trị, kinh tế và quân sự cũng như có thể đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO. Kể từ năm 1999, hầu hết các quốc gia muốn gia nhập NATO đều đã tham gia MAP mặc dù thủ tục này không bắt buộc. Phần Lan và Thụy Điển, trước đây là các quốc gia trung lập hợp tác chặt chẽ với NATO, đã được mời trực tiếp tham gia liên minh.
Hiện không rõ con đường trở thành thành viên của Ukraine sẽ như thế nào khi ngày càng nhiều quốc gia, trong đó có Anh và Đức, đề nghị bỏ qua quy trình MAP.
Quân đội Ukraine đã có những bước quan trọng hướng tới các tiêu chuẩn của NATO kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự. Quá trình này đang tăng tốc khi vũ khí và đạn dược do Liên Xô chế tạo dần cạn kiệt; phương Tây huấn luyện quân đội Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO và gửi ngày càng nhiều vũ khí tối tân cho Kiev.
Chủ đề tranh cãi trong khối NATO
Cho đến nay, câu hỏi về việc kết nạp Ukraine vào NATO vẫn là chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ giữa các nhóm thành viên trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Trong khi các nước Đông Âu nói rằng cần đưa ra một lộ trình gia nhập với những mốc thời gian cụ thể cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius, Litva từ ngày 11/7 đến 12/7, Mỹ và Đức vẫn cảnh giác trước bất kỳ động thái nào có thể đưa liên minh tiến gần hơn đến một cuộc xung đột với Nga. Washington và các thành viên Tây Âu muốn những bước đi khiêm tốn hơn như nâng cấp quan hệ hợp tác giữa NATO và Ukraine, hoặc mở rộng hỗ trợ kỹ thuật của NATO cho Kiev trong lĩnh vực quốc phòng.
"Hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ không mang ý nghĩa lịch sử nếu không đưa ra quyết định về tương lai của Ukraine trong liên minh", Đại sứ Nataliia Galibarenko, người đứng đầu phái đoàn Ukraine tại NATO, cho biết.
Bất chấp những khó khăn liên quan đến việc kết nạp một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh, Ukraine tin rằng NATO "nên xác định con đường trở thành thành viên của Ukraine, thay vì lặp lại tuyên bố về chính sách mở cửa", bà Galibarenko nói.
Theo Tuuli Duneton, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Estonia, hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Vilnius cần gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ukraine: "Sau tất cả những khó khăn mà họ đã phải chịu đựng, họ xứng đáng có một vị trí trong NATO và họ xứng đáng được hoan nghênh gia nhập".
Các quan chức ở vùng Baltic đề xuất rằng, NATO nên gửi lời mời gia nhập chính thức cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, hoặc khởi động một quy trình nhằm thiết lập khung thời gian và các điều kiện cụ thể cho việc gia nhập của Ukraine.
Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cho biết kỳ vọng của ông đối với hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO là vạch ra một con đường phù hợp cho Ukraine gia nhập liên minh. Ông Lipavsky cho biết "mức độ ý chí chính trị" về vấn đề này là nội dung đang được các thành viên NATO thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius.
Các quốc gia ủng hộ việc đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine vào NATO cho rằng, không nên lấy việc Ukraine phải giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga làm điều kiện để kết nạp Kiev. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ trao cho Nga quyền "phủ quyết" đối với việc gia nhập NATO của Ukraine, vì Moscow sẽ tiếp tục kéo dài cuộc chiến để ngăn kịch bản này xảy ra.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi NATO hành động nhanh chóng, đồng thời cho biết Ukraine đã chứng tỏ sự sẵn sàng của mình trong suốt 18 tháng qua. "Đã đến lúc liên minh ngừng đưa ra lý do và bắt đầu quá trình dẫn đến việc kết nạp Ukraine và cho Nga thấy rằng họ đã thất bại", ông Kuleba tuyên bố.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đồng minh Tây Âu lại lựa chọn cách tiếp cận chậm rãi và thận trọng hơn trong việc kết nạp Ukraine. Các quan chức Mỹ cho biết, vào thời điểm này, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn các quốc gia NATO ưu tiên cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ liên tục trên chiến trường khi Kiev mở chiến dịch phản công đã được chờ đợi từ lâu.
Mỹ coi tư cách thành viên của Ukraine trong NATO và các đảm bảo an ninh tiềm năng là những vấn đề cần được giải quyết như một phần của giải pháp cuối cùng cho cuộc chiến.
"Trọng tâm lúc này là hỗ trợ thực chất và làm thế nào để duy trì tốt nhất sự hỗ trợ an ninh của chúng tôi cho Ukraine. Đó là mục tiêu chính trị quan trọng nhất hiện nay", một quan chức cấp cao của Mỹ nói, đồng thời cho rằng mối quan hệ chính trị rộng lớn hơn giữa NATO và Ukraine sau khi xung đột kết thúc sẽ gây hoài nghi nếu Mỹ và đồng minh không đảm bảo việc duy trì hỗ trợ an ninh cho Kiev.
Một số quốc gia chỉ ra rằng, việc kết nạp Ukraine vào NATO trong khi nước này đang có xung đột với Nga có thể tự động kích hoạt Điều 5, điều khoản phòng thủ chung của NATO quy định một cuộc tấn công vào một nước thành viên của khối được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước thành viên còn lại.
Kịch bản này sẽ đẩy liên minh NATO vào một cuộc xung đột quy mô lớn với cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Các bước đẩy nhanh việc kết nạp Ukraine cũng có thể khiến Nga leo thang chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bất chấp những quan điểm trái chiều về việc kết nạp Ukraine, các quan chức phương Tây vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện sự đoàn kết khi Ukraine đang nỗ lực đặt họ vào vị thế mạnh nhất trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga.
"Mục tiêu từ nay đến hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius là đạt được một thỏa thuận thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ cụ thể cho Ukraine, duy trì chính sách mở cửa và cho thấy tiến triển về tư cách thành viên của Ukraine, đồng thời tôn trọng mối quan tâm của một số nước thành viên", một nhà ngoại giao Anh cho biết.
Trong khi triển vọng gia nhập NATO vẫn mơ hồ, Ukraine tiếp tục thúc đẩy hợp tác thiết thực hơn với liên minh quân sự này.
Đại sứ Ukraine Galibarenko cho biết các ưu tiên của nước này bao gồm việc thiết lập một cấu trúc phòng thủ tên lửa và không quân hiện đại tương thích với NATO, xây dựng một hệ thống điều trị y tế cho các thương binh của nước này và phát triển một hệ thống quốc gia về rà phá bom mìn nhân đạo.
Nhà ngoại giao Ukraine cũng nhấn mạnh rằng, việc kết nạp Ukraine sẽ mang lại lợi ích cho NATO.
"Nếu không có Ukraine, sẽ không thể đảm bảo sức mạnh cho sườn phía đông của NATO. Tương tự việc Phần Lan và Thụy Điển củng cố sườn phía bắc của NATO, Ukraine sẽ đảm bảo an ninh cho Đông Âu và khu vực Biển Đen", trưởng phái đoàn đại diện của Ukraine tại NATO nhận định.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thư ký NATO thường xuyên khẳng định sự ủng hộ của NATO đối với tư cách thành viên của Ukraine, nhưng không đưa ra thông tin cụ thể về thời điểm hoặc cách thức kết nạp Kiev.
Ông kêu gọi các quốc gia liên minh tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev, "bởi nếu không có một Ukraine độc lập, có chủ quyền, việc thảo luận về tư cách thành viên cũng không có ý nghĩa gì".
Mục tiêu của Ukraine
Tổng thư ký Stoltenberg ngày 7/7 vẫn đưa ra lập trường mơ hồ, khi chỉ nói rằng các đồng minh sẽ "tái khẳng định việc Ukraine trở thành thành viên" và "đoàn kết về cách đưa Ukraine đến gần hơn với mục tiêu này".
Mỹ, quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với các quyết định của NATO, đã vận động trong nhiều tháng để hạ thấp kỳ vọng của Ukraine bằng cách tập trung đối thoại về "các đảm bảo an ninh" thay vì tư cách thành viên trong thời gian tới, điều mà nhiều đồng minh cũng cho là không thể thảo luận chừng nào Ukraine vẫn còn xung đột với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ là cơ hội để NATO "sửa chữa sai lầm" của hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest - nơi Ukraine và Gruzia được thông báo rằng họ sẽ trở thành thành viên vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhưng không nói rõ khi nào hoặc làm thế nào để điều đó xảy ra.
Nhiều người vẫn hoài nghi về sự sẵn sàng của Kiev. Họ cho rằng Ukraine vẫn còn một chặng đường dài để cải cách quân đội và giải quyết vấn nạn tham nhũng, đây cũng là mối quan tâm của các chính trị gia phương Tây khi xem xét đơn xin gia nhập NATO của Kiev.
Tổng thống Zelensky cho biết, ông hiểu rằng Ukraine khó có thể gia nhập NATO khi đang xung đột với Nga, vì chính sách của liên minh yêu cầu các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết trước khi gia nhập. "Chúng tôi hiểu mọi thứ. Nhưng việc đưa ra tín hiệu thực sự rất quan trọng", ông Zelensky nói.
Dù có hay không có tư cách thành viên, các quan chức Ukraine đang tìm kiếm các cam kết an ninh từ phương Tây "càng sớm càng tốt" để hối thúc Moscow rút quân. Nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đặt cược rằng phương Tây sẽ kiệt sức và dừng viện trợ vũ khí cũng như tài chính cho Kiev khi xung đột kéo dài.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng chuyển hướng cuộc tranh luận sang các hiệp ước an ninh dài hạn như một giải pháp thay thế cho tư cách thành viên ngắn hạn. Washington cũng ủng hộ kế hoạch loại bỏ các rào cản đối với việc gia nhập của Ukraine, nhưng không đặt ra mốc thời gian cụ thể cho việc gia nhập.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những thỏa thuận như vậy sẽ giúp ích nhiều hơn cho Ukraine vào lúc này hay không. Không có đồng minh NATO nào sẵn sàng gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine và Mỹ cũng nhiều lần do dự trong việc gửi cho Ukraine những vũ khí tiên tiến nhất.
Ông Reznikov cho biết "chúng tôi đã nói rất rõ với các đối tác" rằng, việc đảm bảo an ninh cho Ukraine "phải toàn diện và bao gồm hỗ trợ quân sự cùng tài chính, cũng như đảm bảo kinh tế".
Tuy nhiên, Ukraine khó có thể được đảm bảo an ninh, khiến nước này rơi vào tình thế không chắc chắn tương tự những gì Kiev đã trải qua trước cuộc chiến với Nga.
Hầu như bất kỳ kết quả nào của hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, nếu không có lời mời gia nhập NATO ngay lập tức, đều có khả năng đẩy Ukraine rơi vào tình thế bấp bênh tương tự cách nước này phải đối mặt sau hội nghị ở Bucharest.
Nếu Kiev không nhận được lời mời gia nhập NATO ở Vilnius, hay những cam kết rõ ràng, cảm giác thất vọng sẽ bao trùm khắp Ukraine.
Điều 5 của Hiệp ước NATO được cho là một trong những lý do chính khiến Ukraine không thể gia nhập NATO khi đang xung đột với Nga, vì điều này có thể ngay lập tức lôi kéo liên minh NATO vào một cuộc chiến trực diện với Moscow.
Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, trong khi NATO phải thảo luận về các lựa chọn để đảm bảo an ninh cho Ukraine trong thời gian hậu chiến, những đảm bảo an ninh theo Điều 5 sẽ chỉ được áp dụng cho các thành viên chính thức của liên minh.
Điện Kremlin cảnh báo việc NATO mở rộng thành viên là bằng chứng cho thấy sự thù địch của phương Tây đối với Nga - điều mà các cường quốc phương Tây phủ nhận. Họ khẳng định liên minh này hoàn toàn mang tính chất phòng thủ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sự mở rộng của NATO về phía biên giới của Nga trong hai thập niên qua là lý do chính khiến Nga quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nga cảnh báo việc Ukraine gia nhập NATO sẽ dẫn đến nhiều rắc rối trong nhiều năm tới. Moscow cũng dọa sẽ đáp trả động thái này để đảm bảo an ninh của Nga.
Ukraine tin rằng hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius sẽ rất quan trọng đối với tư cách thành viên của nước này trong tương lai, mặc dù các thành viên NATO cho đến nay vẫn chia rẽ về việc kết nạp Kiev.
Mặc dù cố vấn ngoại giao của Tổng thống Zelensky thừa nhận tư cách thành viên NATO sẽ không đạt được khi Ukraine vẫn đang trong một cuộc chiến, nhưng ông cho rằng không gì có thể ngăn cản NATO mời Ukraine trở thành thành viên về mặt chính trị ngay bây giờ.
Ukraine sẽ từ chối bất kỳ quyết định nào từ hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius nếu hội nghị chỉ đạt được những kết quả như "làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác" giữa Ukraine và NATO, ngay cả khi điều này được giải thích là "sự chuẩn bị cho tư cách thành viên của Ukraine trong tương lai".
"Chúng tôi không muốn bất kỳ kế hoạch, chương trình mục tiêu nào", Ihor Zhovkva, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống kiêm Cố vấn Ngoại giao về Hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương, tuyên bố tại một hội nghị ở Kiev.
Ông Zhovkva cho biết Kiev đang kỳ vọng vào hai quyết định sẽ dẫn đến kết quả thành công lịch sử của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius
"Thứ nhất là quyết định chính trị để bắt đầu thủ tục mời Ukraine trở thành thành viên và quyết định thứ hai liên quan đến việc đảm bảo an ninh", ông Zhovkva nói, đồng thời tuyên bố Ukraine sẽ không thỏa hiệp.
"Ukraine muốn nhận được một quy trình (kết nạp) ở Vilnius, vốn đã nằm trên bàn của các nhà lãnh đạo của các nước thành viên NATO. Mọi người đều biết về điều đó. Mọi người đều cảm thấy rằng Ukraine sẽ kiên quyết yêu cầu điều đó cho đến ngày cuối cùng trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra", cố vấn ngoại giao của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Mặc dù quy trình cụ thể không được tiết lộ, nhưng các phác thảo chung đã được chỉ ra.
Đầu tiên, Ukraine nhấn mạnh vào công thức cũng được áp dụng cho Thụy Điển và Phần Lan. Điều đó có nghĩa là NATO chính thức công nhận "đơn xin gia nhập" của Ukraine mà không qua các giai đoạn trung gian như MAP, dù điều này trái với thủ tục tiêu chuẩn của NATO.
Thứ hai, Kiev đồng ý rằng quy trình có thể chậm lại sau bước khởi động nhanh chóng. Một trong những lựa chọn là NATO có thể công bố "lời mời chính trị" tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius năm nay, sau đó đưa ra xác nhận cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào năm 2024.
Thứ ba, quyết định cuối cùng về tư cách thành viên NATO của Ukraine được đưa ra khi "các điều kiện an ninh" hoặc "các cân nhắc về an ninh" cho phép. Hai lựa chọn này tương tự nhau nhưng có sự khác biệt cơ bản.
Nếu Nga tiếp tục nã pháo liên tục vào Ukraine, các điều kiện an ninh vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các nước NATO có thể thay đổi các cân nhắc về an ninh để ngăn Nga có quyền can thiệp vào việc gia nhập của Ukraine.
Ian Brzezinski, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói về tính khả thi của kế hoạch kết nạp Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh của NATO vào năm 2024. Ông cho rằng có thể mời Ukraine gia nhập hội nghị thượng đỉnh của NATO vào năm sau.
Trong trường hợp Ukraine không thể giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ trong cuộc xung đột với Nga, Điều 5 của Hiệp ước NATO sẽ chỉ áp dụng đối với các vùng lãnh thổ mà Kiev đang kiểm soát.
Theo Washington Post, Reuters, Pravda