Từ vụ ô tô kéo lê xe máy 3km: "Lấy" xe của mình, vì sao phạm tội trộm cắp?
(Dân trí) - Theo luật sư, dù ô tô của Thành nhưng do đang bị tạm giữ nên thuộc quyền quản lý của công an. Hành vi tự ý lấy xe về của Thành bởi vậy sẽ bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản.
Như Dân trí thông tin, Trần Minh Thành (41 tuổi, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đang bị Công an huyện Bình Xuyên tạm giữ để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng. Thành là tài xế điều khiển ô tô kéo lê xe máy trên đoạn đường 3 km tại khu vực thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên) tối 21/2.
Về nhân thân, người đàn ông từng bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội Trộm cắp tài sản vào năm 2022. Khi đó, Thành điều khiển ô tô trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn, bị công an phát hiện, tạm giữ phương tiện. Tới trụ sở công an làm việc, lợi dụng lúc không có người quản lý, Thành lén lái xe về, cất giấu tại đường liên thôn gần nhà. Tài sản trộm cắp khi đó chính là chiếc xe đối tượng điều khiển vào tối 21/2 vừa qua.
Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc vì sao Thành lấy lại phương tiện của mình bị tạm giữ nhưng vẫn bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản.

Trần Minh Thành (Ảnh: Công an cung cấp).
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản. Trong quy định này, cụm từ " tài sản của người khác" là mấu chốt, khiến nhiều người băn khoăn về việc trộm cắp xe của chính mình.
Dưới góc độ pháp lý, "tài sản của người khác" được hiểu là tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản. Đối với trường hợp vi phạm giao thông và bị công an tạm giữ phương tiện, cơ quan công an thu giữ phương tiện thuộc trường hợp chủ thể có trách nhiệm quản lý tài sản. Việc quản lý tài sản được thực hiện trên cơ sở hoạt động tạm giữ phương tiện giao thông và là một biện pháp ngăn chặn nhằm đảm bảo xử lý vi phạm hành chính.
Do đó, trong trường hợp việc tạm giữ là đúng quy định, tuân thủ các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, tài sản tại thời điểm tạm giữ bị tạm giữ sẽ được xác định là tài sản thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan công an. Mọi hành vi cố tình lấy lại phương tiện khi chưa được cho phép là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết dưới góc độ khoa học pháp lý, việc trộm cắp tài sản có thể hiểu là hành vi chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Hành vi này làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt… đối với tài sản họ được giao quản lý. Đồng thời, các quyền này thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.
Đối với trường hợp trên, trên danh nghĩa thì chiếc xe là tài sản của Thành, người này có đầy đủ các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt chiếc xe đó. Tuy nhiên, do ở thời điểm xảy ra sự việc, chiếc xe đã bị tạm giữ nên về mặt pháp lý, cơ quan công an khi đó mới là người quản lý hợp pháp, có quyền chiếm hữu đối với chiếc xe này.
Bởi vậy, việc Thành đã tự ý lấy xe về là hành vi mang tính chất lén lút, bí mật, nhằm chiếm đoạt lại tài sản một cách bất hợp pháp. Việc xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 là có cơ sở.

Ô tô do Thành điều khiển kéo lê xe máy trên đường (Ảnh cắt từ clip).
Có thể xử lý thêm tội danh?
Bình luận thêm về vụ việc, luật sư Quách Thành Lực cho rằng ngoài an ninh trật tự xã hội, hành vi của Thành còn xâm phạm một khách thể khác được pháp luật bảo vệ là quyền tài sản của người khác. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ đồng thời củng cố lời khai, tập trung làm rõ các vấn đề về ý chí, nhận thức của người này như việc mục đích của việc tiếp tục cho xe chạy sau va chạm giao thông là gì, có nhằm mục đích hủy hoại tài sản không hay chỉ đơn thuần nhằm bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm sau va chạm giao thông.
Nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi mang tính chất cố ý, có mục đích nhằm hủy hoại tài sản, có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Theo Điều này, trường hợp giá trị tài sản từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, khung hình phạt có thể áp dụng là phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Dưới góc độ dân sự, dù hành vi có bị xử lý hình sự hay không, Thành vẫn có trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện bị hư hỏng trong phạm vi lỗi của mình gây ra.