1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ ra điều kiện kết nạp Ukraine vào NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine phải thực hiện các cải cách trước khi có thể gia nhập NATO, nghĩa là kể cả khi xung đột với Nga được giải quyết, Kiev vẫn còn một chặng đường rất dài để trở thành thành viên của liên minh này.

Mỹ ra điều kiện kết nạp Ukraine vào NATO - 1

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre (Ảnh: Reuters).

Trả lời câu hỏi liệu Ukraine có thể nhận được một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania vào tuần tới hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng Kiev vẫn còn rất nhiều trở ngại cần phải vượt qua.

"Tổng thống đã đề cập đến vấn đề này rất nhiều lần: Ukraine sẽ phải thực hiện cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn giống bất kỳ quốc gia NATO nào trước khi họ gia nhập liên minh", bà Jean-Pierre nêu rõ.

Tuy Washington vẫn cam kết duy trì chính sách mở cửa của NATO, song bà Jean-Pierre lưu ý rằng bất kỳ quyết định nào về việc mở rộng thành viên phải được tất cả quốc gia trong khối ủng hộ.

Người phát ngôn Nhà Trắng không nêu rõ những cải cách mà Kiev sẽ phải thực hiện, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó tuyên bố liên minh sẽ không tạo điều kiện đặc biệt để Ukraine gia nhập.

"Tôi nghĩ họ đã làm mọi cách để chứng minh khả năng phối hợp quân sự, nhưng có một câu hỏi đặt ra là bộ máy của họ có an toàn không", Tổng thống Biden cho biết vào tháng trước.

Bất chấp những bình luận này, trong cuộc gặp vào tháng trước, Tổng thống Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg được cho là đã thảo luận về kế hoạch đơn giản hóa quá trình gia nhập của Ukraine.

Theo lộ trình mà ông Stoltenberg đưa ra, Kiev sẽ không phải hoàn thành kế hoạch hành động mà những quốc gia nộp đơn vào NATO thường được yêu cầu làm. Mặc dù các quốc gia Đông Âu khác đã trải qua thủ tục đó trước khi được kết nạp, song thành viên gần đây nhất của NATO, Phần Lan, cũng được bỏ qua quy trình này sau khi nộp đơn xin gia nhập vào năm ngoái.

Một số hãng truyền thông của Mỹ đưa tin, ông Biden tỏ ra "cởi mở" với ý tưởng đó. Tuy nhiên, một số báo như New York Times cho rằng Washington sẽ tìm kiếm một giải pháp thay thế cho việc trao tư cách thành viên NATO đầy đủ cho Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối bất kỳ đề xuất thay thế nào. Ông được cho là đã cảnh báo các đối tác phương Tây rằng ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới trừ khi khối này đưa ra những đảm bảo cụ thể hoặc lộ trình để họ trở thành thành viên liên minh hoàn toàn.

Theo một số quan chức Mỹ và đồng minh, vấn đề trên chỉ nên được giải quyết sau khi chiến sự ở Ukraine kết thúc bởi việc kết nạp Kiev vào lúc này có thể kéo theo một cuộc xung đột giữa NATO và Nga.

Moscow từ lâu tuyên bố coi phương Tây là một bên tham chiến khi tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine. Vladimir Rogov, người đứng đầu phong trào "Chúng tôi cùng với nước Nga", nhận định NATO nhiều khả năng sẽ triển khai lực lượng đến Ukraine sau hội nghị tuần tới tại Lithuania.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda trước đó khẳng định, Ukraine sẽ không nhận được lời mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối, nhưng các nước NATO "sẽ đưa ra những cam kết trước thềm hội nghị để không khiến Kiev thất vọng".

Theo RT