Chuyên gia phân tích kịch bản có thể xảy ra với tàu ngầm Indonesia mất tích
(Dân trí) - Các chuyên gia về quân sự đã đưa ra các nhận định liên quan tới số phận của KRI Nanggala 402, tàu ngầm của Indonesia bị mất tích cùng 53 thủy thủ trong một cuộc tập trận quân sự.
Ngày 21/4, tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị mất tích khi đang diễn tập ngư lôi ở khu vực cách phía bắc đảo Bali khoảng 100 km, với 53 người trên tàu.
Indonesia hiện đang triển khai các tàu tìm kiếm ở vùng nước sâu, đồng thời đề nghị Australia, Singapore và Ấn Độ hỗ trợ cuộc tìm kiếm.
Theo hải quân Indonesia, vết dầu loang mà nước này phát hiện ở khu vực tàu chìm xuống có thể là dấu hiệu thùng nhiên liệu tàu bị hư hỏng, hoặc là tín hiệu từ thủy thủ đoàn. Indonesia nghi ngờ sự cố về điện có thể đã khiến cho con tàu không thể liên lạc hoặc không thể nổi lên trên mặt nước.
Con tàu được cho là bị chìm xuống dưới khu vực sâu 700 mét, trong khi tàu ngầm loại này chỉ có thể chịu được áp lực ở độ sâu tối đa là 250 mét, theo Herald Sun.
Con tàu dài 60 mét, trọng lượng 1.395 tấn do Đông Đức đóng hơn 40 năm trước và từng được tân trang và nâng cấp một vài lần khi phục vụ trong biên chế Indonesia.
Nhận định của các chuyên gia
Trả lời Reuters, nhà phân tích quân sự Soleman Ponto cho biết, có thể cần tới vài ngày để biết được chính xác điều gì đã xảy ra với tàu ngầm, liệu có phải nó bị hỏng thiết bị thông tin liên lạc hay đã bị chìm.
"Chúng ta chưa thể biết tàu bị hỏng thiết bị liên lạc hay đã chìm. Chúng ta phải chờ ít nhất 3 ngày", ông Ponto nói.
Tuy nhiên, chuyên gia người Anh Ryan Ramsey, một cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân, nói với The Sun rằng: "Nếu có điều gì đó đã xảy ra, khả năng tìm thấy Nanggala-402 là khá khó". Ông cho biết, thông thường, nếu có vấn đề xảy ra, con tàu sẽ nổi ngay lên.
"Vì vậy, trong trường hợp này, hoặc là thủy thủ đoàn không thể làm con tàu nổi lên hoặc đã có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra chớp nhoáng vào thời điểm nó mất tích", ông Ryan nói.
Ông Ryan nhận định, Bali là một đảo núi lửa được vây quanh bởi những vùng biển rất sâu, tối đa có thể lên tới 1.590 mét. Điều này được cho sẽ gây trở ngại nhất định cho cơ hội tìm thấy những người còn sống sót.
Ngoài ra, theo giới quan sát, tàu KRI Nanggala - vốn đã khá cũ kỹ - không có cửa cứu hộ để tàu cứu hộ bám vào trong trường hợp nó được tìm thấy. Lựa chọn duy nhất cho những người sống sót là mặc "bộ đồ thoát hiểm" và chui qua tháp điều khiển.
Bộ đồ trên cho phép người mặc có thể sống sót 24 giờ trên mặt nước, nhưng nó chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 200 mét. Ông Ramsey nói rằng, nếu tàu bị chìm quá sâu, khả năng giải cứu được người là không quá cao, do thiết kế quá cũ của tàu.
Trong khi đó, một chuyên gia Pháp nói với AFP rằng, KRI Nanggala 402 là "một tàu ngầm cổ điển" nên giới hạn chịu đựng của nó là độ sâu 250 mét. Chìm sâu hơn khoảng cách này, đồng nghĩa với việc, con tàu có thể bị vỡ.