Vụ tàu ngầm Indonesia vỡ làm 3 khúc: "Đau đầu" bài toán khí tài cũ kỹ
(Dân trí) - Vụ tai nạn tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia khiến 53 thủy thủ thiệt mạng đã làm dấy lên những tranh cãi về độ rủi ro khi vận hành các thiết bị quân sự quá cũ kỹ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Các nhà phân tích cho rằng có một vấn đề rất phức tạp là Hải quân Indonesia phải cân bằng kinh phí cho hoạt động thường ngày và mua sắm thiết bị mới. Tàu ngầm diesel KRI Nanggala 402 đã phục vụ Hải quân Indonesia gần 40 năm cho đến khi mất liên lạc trong cuộc tập trận phóng ngư lôi vào ngày 21/4. Đến ngày 25/4, các nhà chức trách thông báo tìm thấy xác con tàu bị vỡ thành 3 phần dưới đáy biển và tuyên bố toàn bộ thủy thủ đoàn 53 người đã thiệt mạng.
Các phương tiện quân sự cũ của Indonesia đã 3 lần gặp sự cố chỉ trong vòng 12 tháng gần đây.
Tháng 6 năm ngoái, một máy bay chiến đấu BAE Hawk 209 lao vào một khu dân cư ở tỉnh Riau của Sumatra. Số năm hoạt động của nó là 33. Phi công đã kịp thời bật ghế phóng.
Một tháng sau đó, tàu KRI Teluk Jakarta 541 bị chìm sau khi gặp thời tiết xấu ở biển Bali. Tất cả 55 thành viên thủy thủ đoàn trên con tàu 41 tuổi được sơ tán an toàn.
Muhammad Haripin, nhà nghiên cứu quốc phòng và an ninh từ Viện Khoa học Indonesia (LIPI), nhận định: "Những sự cố này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và chúng cho thấy một vấn đề lớn hơn: lĩnh vực quốc phòng của chúng tôi đang rất cần hiện đại hóa".
Trang thiết bị quân sự cũ kỹ
Indonesia đang cần nhiều phương tiện hơn để bảo vệ chủ quyền của quốc gia này, ngay cả khi chỉ là hàng quá hạn.
Trước khi tàu KRI Nanggala 402 bị chìm, hải quân Indonesia có tổng cộng 5 tàu ngầm, 31 tàu chiến tốc độ cao và 156 tàu tuần tra. Nhà nghiên cứu quốc phòng Haripin cho rằng quy mô đó thực sự chưa phù hợp với một quốc gia quần đảo với 3,1 triệu km2 lãnh hải.
Nhu cầu duy trì số lượng phương tiện hải quân dường như là lý do tại sao các thiết bị đã cũ vẫn chưa được cho nghỉ hưu. "Vì thiếu hụt phương tiện và ngân sách hạn hẹp, chúng tôi phải tiếp tục sử dụng các thiết bị quân sự quá hạn. Cũng có trường hợp mua máy bay chiến đấu, tàu đã qua sử dụng thay vì mua mới ... Cùng một khoản tiền, chúng tôi dường như quan tâm số lượng hơn", ông Haripin nói.
Một nhà nghiên cứu cấp cao tại công ty tư vấn quốc phòng và an ninh Marapi cho biết từ góc độ an toàn, việc vận hành phương tiện cũ vẫn ổn thỏa miễn là được bảo dưỡng đúng cách. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng thiết bị không vượt quá tuổi thọ dự kiến. Nguy cơ hỏng hóc sẽ cao hơn, linh kiện bên trong có thể đã hao mòn sau nhiều năm và một số bộ phận thay thế không còn được sản xuất nữa. Đó là lý do các kỹ thuật viên đôi khi buộc phải lắp các linh kiện sao chép có chất lượng kém hơn bản gốc.
Cũng cần lưu ý rằng chi phí bảo trì tăng lên tương ứng với thời gian vận hành, nên sẽ có lúc mua phương tiện mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn là sửa chữa.
Ngân sách hạn chế
Trong năm nay, Indonesia đã dành 137 nghìn tỷ rupiah (tương đương 9,46 tỷ USD) cho quân đội. Tuy nhiên, phần lớn ngân sách dành để trả lương cho 800.000 binh lính và nhân viên dân sự, cũng như các chi phí hoạt động khác.
Kết quả là quân đội chỉ còn có 9,4 nghìn tỷ rupiah để hiện đại hóa mọi thứ. Nếu chia cho ba nhánh của quân đội, số tiền về Hải quân không cao. Thật khó khăn khi phân bổ nó vì quá nhiều thứ cần ưu tiên. Chừng nào còn thiếu kinh phí, Indonesia buộc phải tiếp tục sử dụng đồ cũ và những sự cố như vậy có thể sẽ tiếp tục xảy ra.
Nhà nghiên cứu quốc phòng Haripin lưu ý rằng Indonesia thực sự đang dành nhiều tiền hơn cho quân đội. Vào năm 2011, chi tiêu quân sự chỉ ở mức 44 nghìn tỷ rupiah, có nghĩa là trong 10 năm qua, ngân sách quốc phòng đã tăng hơn gấp ba lần. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ!
KRI Nanggala 402 được đóng ở Đức năm 1981. Sau 28 năm phục vụ, nó được đưa vào xưởng sửa chữa của tập đoàn cơ khí hàng hải và đóng tàu Daewoo, mất 25 tháng để nâng cấp phần lớn máy móc, hệ thống điều khiển và vũ khí với chi phí 63,7 triệu USD.
Trong cuộc họp báo ngày 22/4, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto thừa nhận do ưu tiên phát triển kinh tế, một số thiết bị quân sự đã không được hiện đại hóa. "Vụ chìm tàu KRI Nanggala 402 là động lực để chính phủ nâng cấp đội tàu già cỗi", ông nói.
Tàu ngầm là phương tiện quân sự tốn kém nhất trong quân đội. Australia - quốc gia láng giềng của Indonesia - đang có 6 tàu ngầm trong biên chế và việc vận hành chúng tốn 600 triệu USD mỗi năm. Chương trình bổ sung 12 tàu ngầm hiện đại của nước này ước tính sẽ cần ít nhất 80 tỷ USD cho chi phí đóng mới và xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận số tàu đó.