1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia phỏng đoán nguyên nhân tàu ngầm chở 53 người mất tích bí ẩn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hải quân Indonesia đặt ra nghi vấn về nguyên nhân khiến tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích bí ẩn khi nó đang tham gia một cuộc tập trận.

Indonesia phỏng đoán nguyên nhân tàu ngầm chở 53 người mất tích bí ẩn - 1

Tàu ngầm KRI Nanggala  tham gia một cuộc tập trận năm 2017 (Ảnh: AP).

Sáng sớm ngày 21/4, tàu ngầm KRI Nanggala 402 chở theo thủy thủ đoàn 53 người biến mất bí ẩn khi tham gia một cuộc tập trận ngư lôi ở phía bắc đảo Bali.

Con tàu được cho đã mất tích ở khu vực cách Bali 95 km ngay sau khi nó được phía chỉ huy tập trận cho phép lặn xuống.

Hải quân Indonesia cho biết, sự cố về điện có thể đã xảy ra trong lúc tàu làm nhiệm vụ, khiến nó bị mất kiểm soát và không thể thực hiện các thao tác và quy trình khẩn cấp để nó có thể nổi lại lên mặt nước. Lực lượng trên ban đầu cho rằng tàu ngầm bị chìm ở độ sâu 500 mét dưới mực nước biển, nhưng sau đó cho rằng có thể là 700 mét.

"Hãy cầu nguyện cho họ để họ có thể vượt qua được sự cố này", Phát ngôn viên Hải quân Indonesia Julius Widjojono nói.

Tuy nhiên, Phó đô đốc hải quân Pháp Antoine Beaussant nói với AFP rằng, các tàu ngầm thường có độ lặn sâu an toàn là 250 mét, và "nếu nó chìm xuống ở độ sâu 700 mét thì có khả năng là tàu có thể sẽ bị vỡ".

Indonesia phỏng đoán nguyên nhân tàu ngầm chở 53 người mất tích bí ẩn - 2

Đồ họa cho thấy vị trí tàu ngầm mất tích (Đồ họa: BBC).

Hải quân Indonesia đã triển khai nhiều tàu tìm kiếm tới khu vực, và đồng thời để nghị các nước có tàu giải cứu tàu ngầm như Singapore và Australia hỗ trợ.

Hiện cuộc tìm kiếm phát hiện ra một vết dầu loang ở gần nơi con tàu lặn xuống và biến mất.

KRI Nanggala 402 là tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel - điện do Đông Đức đóng và vào biên chế Indonesia từ năm 1981. Nó hiện là 1 trong 5 tàu ngầm vẫn đang phục vụ trong hải quân của quốc gia này.

Trong quá trình hoạt động, con tàu đã được nâng cấp vài lần trong các năm 1989 ở Đức và 2012 ở Hàn Quốc.