1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những rủi ro rình rập khi vận hành tàu ngầm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vụ việc tàu ngầm Indonesia KRI Nanggala gặp nạn bị vỡ thành 3 khúc trong khi đang tham gia tập trận cho thấy những thách thức và nguy hiểm to lớn khi vận hành loại khí tài này.

Những rủi ro rình rập khi vận hành tàu ngầm - 1

Một mảnh vỡ tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia nằm dưới đáy biển (Ảnh: Antara).

Tàu ngầm sở hữu năng lực tấn công độc nhất vô nhị. Khả năng "tung đòn" nhằm vào mục tiêu ở các vị trí khuất tầm nhìn gây ra thách thức cho bất cứ đối thủ nào. Theo các chuyên gia quân sự, ngay cả một tàu ngầm cũng có thể tạo nên sức mạnh răn đe của một lực lượng quân đội.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng việc vận hành tàu ngầm có thể rất tốn kém, đầy phức tạp. Việc đầu tư vào lực lượng tàu ngầm cũng đòi hỏi sự cam kết dài hạn về cả nhân sự và hoạt động bảo trì.

Ví dụ, các thủy thủ tàu ngầm cần phải được huấn luyện để hiểu sâu về hoạt động của mọi hệ thống trong tàu, tập huấn mọi kịch bản có thể xảy ra cho tới khi phản ứng của họ trở thành bản năng. Họ cần phải nhuần nhuyễn các nội dung này trước khi học vận hành các hệ thống vũ khí trong tàu.

Tương tự máy bay, việc vận hành tàu ngầm yêu cầu sự chính xác rất cao, không được phép sai lầm. Ngoài ra, việc xem xét và cải tiến tàu ngầm cũng phải cần được thực hiện theo định kỳ để xử lý mọi mối đe dọa tiềm tàng đối với vũ khí này.

Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí để vận hành tàu ngầm có thể đắt đỏ hơn rất nhiều so với việc mua chúng về kho vũ khí và các khoản ngân sách lúc nào cũng cần trong tình trạng sẵn sàng.

Cuộc sống cách ly của thủy thủ đoàn

Sinh sống dài ngày trên tàu ngầm không phải là nhiệm vụ đơn giản. Các thủy thủ phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong thời gian dài mà không được tiếp cận thế giới bên ngoài, ánh nắng mặt trời và cả bầu không khí trong lành. Mạng internet và truyền thông xã hội phát triển cũng được xem khiến các thủy thủ tàu ngầm trẻ tuổi cảm thấy khó khăn hơn vì họ quen với cách sống sử dụng công nghệ, mạng xã hội hơn là lênh đênh dưới biển, bị cách ly với thế giới bên ngoài khi nguy hiểm rình rập tứ phía.

Điều kiện sống trong tàu ngầm một số lực lượng cũng được cho là thiếu thốn. Các thủy thủ có thể phải ngủ luân phiên nhau, hoặc nằm ngủ cách nơi chứa thủy lôi chỉ vài cm. Một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc công bố hồi tháng 1, cho thấy một nhóm thủy thủ tàu ngầm nước này đã gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng như ám ảnh, lo lắng và thù địch.

Hoạt động vận hành tàu ngầm cần thực hiện 24 giờ mỗi ngày. Các thủy thủ có thể phải canh gác liên tục trong 12 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, sau thời gian này, họ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bảo trì tàu hoặc các công việc hành chính khác.

Rủi ro bủa vây

Khi tàu chìm sâu dưới lòng biển, mọi lỗi kỹ thuật dù là nhỏ nhất cũng có thể đẩy cả con tàu và thủy thủ đoàn vướng phải thảm họa. Khi con tàu mất kiểm soát, nó có thể chìm xuống rất nhanh, đôi khi thời gian chỉ tính bằng giây. Lúc này, áp lực dưới nước lớn tới mức nó có thể khiến con tàu bị vỡ, dẫn tới nguy cơ thương vong to lớn với thủy thủ đoàn.

Đây có thể là kịch bản đã xảy ra với KRI Nanggala hôm 21/4, dù các cuộc điều tra lúc này vẫn chưa lý giải đầy đủ về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn khiến con tàu vỡ thành nhiều mảnh, chìm xuống đáy biển sâu.

Hỏa hoạn cũng được xem là mối nguy hiểm "rình rập" với các tàu ngầm nếu chúng được trang bị pin điện để hoạt động. Pin gặp trục trặc có thể làm gia tăng lượng khí hydro trong tàu và dẫn tới một vụ nổ khiến hỏa hoạn trở nên mất kiểm soát và làm vô hiệu hóa các hệ thống trên tàu.

Trục trặc liên quan tới hệ thống vũ khí được xem gây ra rủi ro rất lớn với tàu ngầm. Ví dụ, một vụ nổ ngư lôi từng khiến cho tàu ngầm Kursk của Nga chìm năm 2000, khiến 118 người thiệt mạng.

Việc khí tài quân sự gặp trục trặc có thể là điều khó tránh khỏi khi vận hành, tuy nhiên, khi tàu ngầm gặp sự cố, công cuộc cứu hộ khó khăn hơn nhiều so với các khí tài khác khi đội ngũ tìm kiếm phải định vị được nơi con tàu chìm.

Do đặc thù hoạt động trong bí mật, một số tàu ngầm được trang bị khả năng tàng hình nhằm chống lại hệ thống dò tìm bằng sóng âm, trong khi một số khác chỉ có lượng dưỡng khí dự trữ hạn chế trong vài ngày cho thủy thủ đoàn khiến việc tìm kiếm giống như một cuộc đua với thời gian.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm