1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vết dầu loang từ tàu ngầm Indonesia mất tích: Tín hiệu từ thủy thủ đoàn?

Thành Đạt

(Dân trí) - Vết dầu loang gần vị trí tàu ngầm Indonesia chở 53 người lặn xuống có thể là tín hiệu từ thủy thủ đoàn.

Vết dầu loang từ tàu ngầm Indonesia mất tích: Tín hiệu từ thủy thủ đoàn? - 1

Tàu tìm kiếm cứu hộ chuẩn bị khởi hành để tìm kiếm tàu ngầm mất tích của Indonesia trong đêm 21/4 (Ảnh: EPA).

Sáng sớm ngày 21/4, tàu ngầm KRI Nanggala 402 chở theo thủy thủ đoàn 53 người đã biến mất bí ẩn khi tham gia một cuộc tập trận ngư lôi ở phía bắc đảo Bali.

Con tàu được cho đã mất tích ở khu vực cách Bali 95 km ngay sau khi tàu được phía chỉ huy tập trận cho phép lặn xuống.

Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết nỗ lực tìm kiếm trên không đã phát hiện vết dầu loang gần nơi tàu ngầm chìm xuống. Hai tàu hải quân Indonesia với khả năng sử dụng sóng âm phản xạ đã được triển khai để hỗ trợ tìm kiếm.

Theo hải quân Indonesia, vết dầu loang được phát hiện trên mặt biển có thể do thùng nhiên liệu của tàu ngầm bị hư hại hoặc cũng có thể là tín hiệu từ thủy thủ đoàn.

Hải quân Indonesia cho biết sự cố về điện có thể đã xảy ra trong lúc tàu làm nhiệm vụ, khiến tàu bị mất kiểm soát và không thể thực hiện các thao tác và quy trình khẩn cấp để có thể nổi lại lên mặt nước. Hải quân Indonesia ban đầu cho rằng tàu ngầm bị chìm ở độ sâu 500 mét dưới mực nước biển, nhưng sau đó nhận định có thể là 700 mét.

Phó đô đốc hải quân Pháp Antoine Beaussant cho biết các tàu ngầm thường có độ lặn sâu an toàn là 250 mét, và "nếu nó chìm xuống ở độ sâu 700 mét thì có khả năng là tàu có thể sẽ bị vỡ".

Các nước vào cuộc hỗ trợ

Vết dầu loang từ tàu ngầm Indonesia mất tích: Tín hiệu từ thủy thủ đoàn? - 2

Thủy thủ đoàn tàu ngầm KRI Nanggala 402 tại tỉnh Đông Java, Indonesia hồi tháng 2/2012 (Ảnh: Reuters).

Một số nước đã đề nghị hỗ trợ Indonesia trong cuộc tìm kiếm tàu ngầm chở 53 người mất tích.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Indonesia ngày 22/4 cho biết các yêu cầu hỗ trợ đã được gửi đi và Australia, Singapore, Ấn Độ đã phản hồi. Đây là những nước sở hữu tàu cứu hộ tàu ngầm.

Ngoại trưởng Marise Payne nói với đài ABC hôm thứ 22/4 rằng các lực lượng quốc phòng Australia sẽ "giúp đỡ bằng mọi cách có thể".

"Chúng tôi vận hành các tàu ngầm rất khác với tàu ngầm (bị mất tích), nhưng Lực lượng Phòng vệ Australia và Tổ chức Phòng vệ Australia sẽ làm việc với các chiến dịch phòng vệ của Indonesia để xác định những gì chúng tôi có thể hỗ trợ", Ngoại trưởng Payne cho biết.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết một cuộc họp báo sẽ được tổ chức trong ngày hôm nay 22/4 tại Bali để cung cấp thông tin về cuộc tìm kiếm tàu ngầm mất tích.

KRI Nanggala 402 là tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel - điện được đóng tại Đức vào năm 1977 và được Indonesia biên chế từ năm 1981. Tàu đã được nâng cấp vài lần trong các năm 1989 ở Đức và 2012 ở Hàn Quốc.

Indonesia trước đây từng vận hành một hạm đội gồm 12 tàu ngầm mua từ Liên Xô để tuần tra vùng biển gồm các quần đảo rộng lớn của mình. Tuy nhiên, hiện Indonesia chỉ có một hạm đội gồm 5 tàu ngầm, trong đó có 2 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo và 3 tàu mới hơn của Hàn Quốc.

KRI Nanggala 402 hiện là 1 trong 5 tàu ngầm vẫn đang phục vụ trong hải quân Indonesia. Indonesia vẫn đang tìm cách hiện đại hóa năng lực quốc phòng của mình, nhưng một số trang thiết bị của nước này đã lỗi thời và đã xảy ra những vụ tai nạn chết người trong những năm gần đây.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm