1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia chỉ ra "tử huyệt" của xe tăng Abrams tại chiến trường Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Các chuyên gia quân sự đã chỉ ra một số điểm yếu của "siêu tăng" M1 Abrams mà Mỹ sắp viện trợ cho Ukraine.

Chuyên gia chỉ ra tử huyệt của xe tăng Abrams tại chiến trường Ukraine - 1
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ (Ảnh: Veteran Life).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Sputnik, ông Yuri Knutov, chuyên gia quân sự kiêm giám đốc Bảo tàng Không quân Nga thừa nhận xe tăng M1 Abrams mà Mỹ chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine là một loại vũ khí vô cùng uy lực. Tuy nhiên, ông Knutov cũng chỉ ra những điểm yếu "chí tử" của dòng chiến xa này, đồng thời khẳng định quân đội Nga hoàn toàn có thể tận dụng những "tử huyệt" này để tiêu diệt xe tăng Ukraine.

"Điểm yếu của Abrams là động cơ turbine khí hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu máy bay. Xe tăng này sẽ cần tới 24kg nhiên liệu chỉ đến khởi động và làm nóng turbine. Xe tăng Abrams cũng có một máy phát điện được che chắn bởi một lớp giáp yếu, và đó sẽ là tử huyệt nhất của loại xe tăng này", ông Knutov nói.

Theo giám đốc Bảo tàng Không quân Nga, với lượng nhiên liệu lớn mà M1 Abrams tiêu thụ, nếu đánh trúng máy phát điện trên, những vũ khí hạng nhẹ hoặc bom xăng thô sơ, cũng có thể gây thiệt hại nặng nề, thậm chí là phá hủy toàn bộ xe tăng. Ngoài ra, hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu lớn sẽ cũng gây khó khăn cho lực lượng hậu cần của quân đội Ukraine một khi xe tăng M1 Abrams được đưa vào vận hành.

Thêm vào đó, ông Knutov chỉ ra rằng nhiều phiên bản của dòng xe tăng M1 Abrams không có hệ thống nạp đạn tự động, qua đó gây ra nhiều khó khăn cho kíp lái trong tác chiến. Trọng lượng lớn (có thể lên tới 70 tấn) của "siêu tăng" này cũng sẽ gây trở ngại cho các tuyến đường và cây cầu tại Ukraine, nhất là sau khi hạ tầng giao thông của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề sau gần một năm xung đột.

Chuyên gia chỉ ra tử huyệt của xe tăng Abrams tại chiến trường Ukraine - 2
Một xưởng sửa chữa và bảo dưỡng xe tăng M1 Abrams của Mỹ (Ảnh: army.mil).

Theo Trung tướng Ben Hodges, cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, việc viện trợ xe tăng cho Ukraine cũng sẽ kéo theo hàng loạt các yêu cầu phức tạp về mặt bảo dưỡng và sửa chữa.

"Xe tăng không giống như những chiếc ô tô mà bạn có thể dễ dàng thuê ở bất cứ đâu, có rất nhiều thứ đi kèm với nó nếu được chuyển giao. Bạn sẽ không muốn gửi cho đối tác một loại vũ khí mà có thể hư hỏng một cách dễ dàng hoặc hết xăng bất chợt", ông Hodges nhận định.

Việc các cơ sở hậu cần sửa chữa của Ukraine vốn chỉ được xây dựng nhằm phục vụ các xe tăng do Liên Xô sản xuất sẽ khiến việc chuyển giao mất rất nhiều thời gian. Nếu vội vã, các xe tăng do phương Tây sản xuất sẽ không được sửa chữa và bảo dưỡng trong điều kiện tốt, qua đó tăng khả năng hỏng hóc bất ngờ và tệ hơn là sẽ lọt vào tay quân đội Nga. Đây sẽ là một mối bận tâm mà quân đội Ukraine cần phải đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/1 đã phê chuẩn việc viện trợ lô hàng 31 xe tăng M1 Abrams đầu tiên cho quân đội Ukraine. Ngay sau quyết định mang tính đột phá trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng cảm ơn nước Mỹ và Tổng thống Biden. Theo ông Zelensky, xe tăng M1 Abrams sẽ đóng vai trò như "một bước tiến quan trọng dẫn tới chiến thắng cuối cùng cho Ukraine".

Theo Sputnik, Newsunrolled, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine