1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc gia NATO cảnh báo nguy cơ xung đột toàn cầu

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Bulgaria Rumen Radev cho rằng viện trợ quân sự gửi đến Ukraine có thể gây ra một cuộc xung đột toàn cầu, đồng thời kêu gọi không gửi vũ khí cho Kiev.

Quốc gia NATO cảnh báo nguy cơ xung đột toàn cầu - 1

Lực lượng Ukraine phóng lựu pháo ở Kharkov (Ảnh: Reuters).

"Giá trị cuối cùng là hòa bình và tính mạng con người. Cung cấp vũ khí (cho Kiev) có nghĩa là chúng ta đang dập lửa bằng xăng, và đồng nghĩa với việc thừa nhận sẽ có thêm nhiều thương vong", Tổng thống Bulgaria Rumen Radev nói trong cuộc phỏng vấn với Darik Radio hôm 21/1.

Theo Tổng thống Bulgaria, viện trợ quân sự cho Ukraine ngụ ý "chấp nhận lập trường" rằng, cuộc xung đột "phải được tiếp tục cho đến khi một trong các bên bị đánh bại hoàn toàn", và điều này chắc chắn sẽ lôi kéo Ukraine "vào một cuộc xung đột toàn cầu và có nguy cơ tự hủy diệt hạt nhân".

Tổng thống Radev nhấn mạnh rằng Bulgaria "không nên gửi vũ khí cho Ukraine để châm ngòi cuộc xung đột này".

"Nhiệm vụ của tôi với tư cách là tổng thống là suy nghĩ và thể hiện tình đoàn kết với đa số người dân Bulgaria", ông Radev nói.

"Hôm nay thiếu vũ khí, nhưng nếu một ngày nào đó thiếu nhân lực, vậy sẽ làm thế nào?" ông Radev đặt câu hỏi, đồng thời cảnh báo cuộc xung đột quân sự tại Ukraine ngày càng trở nên bạo lực, mở rộng phạm vi, dẫn đến tình trạng kiệt quệ và thảm họa kinh tế toàn cầu mà người châu Âu đang phải hứng chịu.

Tháng 10/2022, Tổng thống Radev tuyên bố Ukraine chỉ có thể gia nhập NATO sau khi Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận hòa bình. Ông Radev cho rằng NATO không nên chấp nhận Ukraine trở thành thành viên của khối cho đến khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine được giải quyết.

Các nước phương Tây liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này vào ngày 24/2/2022. Tuy vậy, Kiev cho biết, lúc này họ rất cần xe tăng và các hệ thống phòng không hiện đại.

Ông Oleskiy Danylov, Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine, tuần trước hối thúc các đồng minh, đối tác phương Tây tăng tốc viện trợ vũ khí vì theo dự đoán của Kiev, Nga có thể đang chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng để chấm dứt xung đột. Ông Danylov nhận định, đợt tấn công cuối cùng này có thể diễn ra đúng vào ngày Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 hoặc trong tháng 3.

Lầu Năm Góc ngày 19/1 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine. Anh xác nhận hôm 16/1 sẽ gửi 14 xe tăng Challenger 2 và các thiết bị khác, bao gồm hàng trăm xe bọc thép và tên lửa phòng không tiên tiến, cho Kiev. 

Mặc dù tổng mức hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát đã lên tới 27 tỷ USD, các quan chức Ukraine vẫn tiếp tục hối thúc Washington và các đồng minh cung cấp các loại vũ khí mạnh hơn như xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams. 

Moscow nhiều lần cảnh báo tất cả vũ khí nước ngoài cung cấp cho Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công hoặc phá hủy chính đáng của quân đội Nga. Tại cuộc họp báo hôm 16/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, những gói viện trợ quân sự mới của phương Tây sẽ không thể thay đổi cục diện chiến sự ở Ukraine. 

Ông Peskov cảnh báo những xe tăng của phương Tây cấp cho Ukraine sẽ bị thiêu cháy giống như những khí tài khác.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine