Giả thuyết về "lò ấp" siêu biến chủng Omicron đầu tiên tại châu Phi
(Dân trí) - Một chuyên gia Nga đã nêu ra nghi vấn rằng biến thể Omicron có thể đã hình thành trên động vật, trước khi lây sang người.
Tass dẫn lời người sáng lập và giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu y học DNKOM (Nga) Andrei Isaev cho biết, số lượng đột biến lớn chưa từng có trên Omicron làm dấy lên giả thiết rằng biến chủng này có thể đã tích tụ chúng khi lây lan trên vật chủ là động vật, rồi truyền sang người.
"Chúng ta đã biết về giả thuyết rằng, một người bị suy giảm miễn dịch - ví dụ như nhiễm HIV - và mắc Covid-19 có thể là bệnh nhân số 0 nhiễm chủng Omicron. Giả thuyết đưa ra là SARS-CoV-2 đã đột biến trong cơ thể người đó.
Tuy nhiên, tôi lại có giả thuyết khác. Chúng ta biết động vật có vú, bao gồm các động vật kích thước lớn thuộc họ mèo, nhiều loài hươu cũng có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Người dân ở Nam Phi tiếp xúc nhiều với động vật hoang dã. Tôi tin rằng Covid-19 đã lây lan tới quần thể động vật có vú kích thước lớn và biển đổi ở đó. Virus lây nhiễm chéo theo các loài gây ra sự khác biệt rõ ràng nhất trong các bộ protein và hình thành sự đa dạng di truyền", ông Isaev cho biết.
Sau khi bị phát hiện ở châu Phi vào tháng 11, biến chủng Omicron trở thành chủ đề nóng với giới khoa học và dư luận thế giới vì nó sở hữu số lượng đột biến nhiều kỷ lục nếu so với các chủng SARS-CoV-2 khác. Tuy nhiều nhà khoa học bày tỏ quan ngại về chủng này, nhưng tới nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về việc liệu nó có thể gây bệnh nặng hay có khả năng né tránh vaccine hay không.
Trước đó, nhiều chuyên gia phỏng đoán rằng, những người bị suy giảm hệ miễn dịch và cùng lúc mắc Covid-19 có thể là "bệnh nhân số 0" vì cơ thể những người này không thể loại bỏ nhanh chóng SARS-CoV-2, tạo cơ hội cho mầm bệnh biến đổi và lây lan.